Ngân hàng Việt Nam - Ngời sáng những tấm gương “hai giỏi”
23/09/2015
Kinh tế mở cửa đòi hỏi ngành Ngân hàng không ngừng cải tiến hoạt động để thực sự là công cụ quản lý nhạy bén, hữu hiệu của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập với cộng đồng tài chính tiền tệ quốc tế. Việc hoạch định chính sách tiền tệ, xây dựng hệ thống văn bản pháp lý, quản lý, quản trị điều hành là vấn đề then chốt đối với sự ổn định và phát triển của không chỉ hệ thống ngành Ngân hàng mà cả nền kinh tế đất nước. Trong các lĩnh vực then chốt ấy đã xuất hiện nhiều “bóng hồng” với những đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành Ngân hàng.
Các chị là thành viên của Hội đồng khoa học ngành Ngân hàng, đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tham mưu điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả, linh hoạt kịp thời, tham gia xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực hiện các chính sách pháp luật về Ngành, nghiên cứu cơ chế quản lý hoạt động ngân hàng trong cơ chế thị trường, tham gia hoàn thiện quy định về quản lý rủi ro tín dụng và tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng bám sát với diễn biến thực tế của thị trường,...
Trong quá trình triển khai công việc, các chị đã thể hiện được sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ đạo điều hành kinh doanh có hiệu quả, tạo lập sự tin cậy trong đội ngũ cán bộ nhân viên, tập hợp được sức mạnh tập thể, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đó là các chị Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chị Nguyễn Thu Hà - Vụ Chính sách tiền tệ, chị Nguyễn Thị Thanh Hương - Vụ Tài chính kế toán NHTW, chị Nguyễn Tuyết Dương - Vụ Pháp chế NHNN, chị Đoàn Hoài Anh - Vụ Hợp tác quốc tế,…. Thêm nữa, có thể kể tới các tấm gương tiêu biểu như chị Trần Lan Phương - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội với những đóng góp xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mang tín dụng đến với người nghèo, chị Lê Thị Hoa - Ủy viên HĐQT Vietcombank với sáng kiến gắn tiền lương với kết quả đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, chị Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng giám đốc Vietcombank với việc chỉ đạo chuẩn hóa mô hình chi nhánh, chuẩn hóa chức năng nhiệm vụ thông qua lộ trình triển khai Dự án KP1 trong toàn hệ thống và nhiều chị như chị Lê Thị Kim Khuyên, chị Phan Thị Chinh - Ủy viên Hội đồng quản trị BIDV; chị Bùi Thị Bảy - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam,... Đó là những người cán bộ nữ lãnh đạo quản lý đầy nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc, đóng góp công sức lớn lao cho sự phát triển của hệ thống ngành Ngân hàng.
Hoạt động nghiệp vụ trong ngành Ngân hàng rất phong phú, nhiều lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực nghiệp vụ có vị trí, vai trò quan trọng riêng biệt nhưng luôn có mối liên hệ chặt chẽ, mắt xích với nhau. Mỗi lĩnh vực lại bao gồm các hoạt động nghiệp vụ khác nhau như: công tác tín dụng, dịch vụ khách hàng, kho quỹ, quản trị tín dụng, tài chính kế toán, xây dựng kế hoạch chiến lược, tổ chức nhân sự, công nghệ thông tin, văn phòng hành chính,... thế nhưng dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, chị em cũng luôn nỗ lực làm việc với trách nhiệm cao nhất, với sự năng động, sáng tạo nhưng cũng rất cẩn trọng và hiệu quả. Tiêu biểu là các chị làm công tác tín dụng, các chị luôn là những người phải chịu trách nhiệm trước đồng vốn cho vay do đó, phải thường xuyên cập nhật, nắm vững các chủ trương, chính sách, chế độ nghiệp vụ cho vay, hiểu biết pháp luật, am hiểu khách hàng để làm tốt việc thẩm định dự án, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn đúng mục đích nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng. Điển hình như chị Nguyễn Thị Yến - Vietcombank Bắc Ninh; chị Hương Giang - Vietcombank Chương Dương đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác “tăng trưởng tín dụng và thu hồi nợ xấu hiệu quả”; chị Hoàng Thị Hà - Giám đốc Ban tín dụng người nghèo đã tham mưu xây dựng cơ chế nghiệp vụ các chương trình tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội; tập thể nữ Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Thanh Hóa với thành tích xuất sắc trong phong trào “Phụ nữ thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” được Hội Liên hiệp phụ nữ VN khen thưởng...
Một hoạt động nghiệp vụ không kém phần quan trọng là hoạt động quản lý rủi ro tín dụng và quản lý rủi ro thị trường. Đây chính là hoạt động quan trọng của ngân hàng, nhằm đảm bảo sự an toàn cho tiền và tài sản của ngân hàng, khách hàng, lường trước những rủi ro trong quy trình cho vay cũng như những rủi ro đạo đức,... nhằm ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn. Để hoàn thành tốt được công việc, yêu cầu chị em phải vừa nắm vững các nguyên tắc, quy định nhưng cũng phải hiểu rõ bản chất từng công việc cụ thể mới có được những quyết định đúng đắn, phù hợp. Trong lĩnh vực này cũng có nhiều điển hình như chị: Trần Thị Minh Hoa - Giám đốc Ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV, chị Phạm Thanh Ngân - Chi nhánh Sở giao dịch 3 BIDV, chị Minh Đức - Trưởng phòng Quản lý & Hỗ trợ INCAS Ngân hàng TMCP Công thương VN, chị Nguyễn Thị Liên - Trưởng ban kiểm soát Ngân hàng Nông nghiệp và PTNTVN,...
Nữ CNVCLĐ nhận bằng khen trong phong trào thi đua "Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà"
Trong các mặt nghiệp vụ của ngành Ngân hàng, công tác kho quỹ có tỷ lệ chị em nữ chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng 95% tổng số cán bộ làm công tác kho quỹ trong toàn hệ thống. Do tính chất công việc, các chị em làm công tác kho quỹ thường xuyên phải đi sớm về muộn. Khối lượng công việc ngày càng nhiều, các chị em trong lĩnh vực kho quỹ luôn nâng cao tinh thần đáp ứng đủ các nhu cầu thu chi tiền mặt cho khách hàng, chấp hành đúng quy định về an toàn kho quỹ, nêu cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Tại các cuộc thi cán bộ kiểm ngân giỏi, các chị luôn thể hiện được khả năng nghiệp vụ của mình và đạt các giải cao. Chị em thuộc lĩnh vực kho quỹ luôn là những cán bộ làm việc trung thực, liêm khiết, cần mẫn. Có thể nói, ở các lĩnh vực hoạt động của Ngành đều có rất nhiều những tấm gương phụ nữ giỏi, tâm huyết với nghề, đội ngũ cán bộ nữ ngành Ngân hàng luôn xác định cho mình mục tiêu phấn đấu, cùng nhau đoàn kết, góp phần cùng đơn vị và ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.
Do đặc thù công việc của Ngành, nhiều chị em thường xuyên phải đi làm về muộn nhưng các chị vẫn thu xếp công việc nhà một cách khoa học, hợp lý, khéo léo động viên chồng, con cùng chia sẻ trách nhiệm công việc gia đình, chăm lo xây dựng, giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Trong 5 năm qua, đã có hàng ngàn lượt các cháu là con các chị đạt danh hiệu học sinh giỏi ở các cấp học, nhiều cháu đạt giải ở các kỳ thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia, quốc tế, là niềm tự hào cho gia đình và là mầm non tươi đẹp của đất nước. Đặc biệt, hàng năm các cháu đều được nhận các phần thưởng về thành tích học tập, được biểu dương, khen thưởng và động viên từ Ban lãnh đạo và tổ chức công đoàn các cấp, tạo động lực cho các cháu phấn đấu học tập tốt hơn. CĐNHVN tổ chức Hội nghị biểu dương các cháu là con cán bộ CNVCLĐ ngành Ngân hàng có thành tích cao trong học tập, rèn luyện từ cấp tỉnh, thành phố trở lên.
Bên cạnh đó, chị em nữ ngành Ngân hàng và gia đình luôn thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của địa phương, quan hệ tốt với nhân dân nơi cư trú, sống có nghĩa có tình, thể hiện phẩm chất đạo đức tư cách của người cán bộ công chức. Hầu hết gia đình các chị đều được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá" ở khu dân cư, nhiều gia đình được khen thưởng "Gia đình văn hoá tiêu biểu", "Gia đình hiếu học",.... Ngoài ra, chị em luôn tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như: thăm và tặng quà cho các cháu nhỏ mồ côi tại các Trung tâm bảo trợ xã hội; phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ quỹ ‘‘Mái ấm công đoàn”, quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ quỹ “Nữ CNVCLĐ nghèo”, “ủng hộ đồng bào bão lụt”, chăm sóc trẻ em bị khuyết tật, bị nhiễm chất độc dioxin, ......
Thanh Thủy
***
Trong 5 năm qua, hàng ngàn lượt nữ CNVCLĐ đã được tặng những danh hiệu thi đua và khen thưởng các cấp. Cụ thể như sau:
- Huân chương lao động (các hạng Nhất, Nhì, Ba): 38 chị.
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 169 chị.
- Bằng khen của Thống đốc NHNN và danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Ngành: 1.561 chị.
- Cờ thi đua TLĐLĐVN: 03 Cờ thi đua.
- Bằng khen TLĐLĐVN dành cho tập thể và cá nhân: 32 Bằng khen.
- Cờ thi đua CĐNHVN về thành tích “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”: 25 Cờ thi đua.
- Bằng khen CĐNHVN dành cho các tập thể và cá nhân chuyên đề “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”: 1.023 Bằng khen.