Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ năm, 09/01/2025 | 23:05

Gương tiêu biểu

Đảng bộ Cơ quan Ngân hàng Trung ương lãnh đạo các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành

18/08/2015

Sự ra đời và phát triển của Đảng bộ Cơ quan Ngân hàng Trung ương (NHTW) gắn liền với chặng đường xây dựng và phát triển của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Trong những năm qua, Đảng ủy Cơ quan NHTW đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Sự ra đời và phát triển của Đảng bộ Cơ quan Ngân hàng Trung ương (NHTW) gắn liền với chặng đường xây dựng và phát triển của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Trong những năm qua, Đảng ủy Cơ quan NHTW đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng bộ Cơ quan NHTW hiện có 34 tổ chức đảng trực thuộc là các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc và 2.013 đảng viên.

Đảng bộ Cơ quan NHTW thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2010-2015 trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả và lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô không ổn định, sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp, lãi suất tăng cao, sức ép phá giá đồng Việt Nam gia tăng; hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ. Trước diễn biến mới của tình hình, Trung ương Đảng, Quốc hôi, Chính phủ yêu cầu tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Quán triệt tinh thần đó, Đảng ủy Cơ quan NHTW lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá và dự báo đúng tình hình, hàng năm NHNN đều đề ra định hướng và điều hành chính sách tiền tệ, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý, đồng thời có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế của từng năm. Chính sách tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và gắn kết chặt chẽ với điều hành lãi suất, luôn tạo vị thế cho đồng Việt Nam đã giúp cho tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định ngay cả trong thời điểm môi trường xung quanh có diễn biến phức tạp; thanh khoản ngoại tệ được cải thiện mạnh mẽ, tình trạng đôla hóa được đẩy lùi, quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt mức kỷ lục. Thị trường vàng đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đến nay, thị trường vàng đã ổn định, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế được đẩy lùi, là nhân tố quan trọng giúp ổn định tỷ giá và đẩy lùi tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Thành quả quan trọng của điều hành chính sách tiền tệ 5 năm qua đã đưa chỉ số lạm phát từ mức 18,13% năm 2011 xuống mức một con số và dưới 5% vào cuối năm 2015, làm giảm kỳ vọng lạm phát, nâng cao lòng tin vào chính sách của NHNN và vào đồng tiền Việt Nam, góp phần ổn định và cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, tạo tiền đề cho tăng trưởng theo hướng bền vững của nền kinh tế. Nhờ lạm phát được kiềm chế, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh chỉ bằng 40% mức cuối năm 2011 và thấp hơn cả mức lãi suất trong giai đoạn 2005 - 2006, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở các địa phương, chủ động đề xuất và triển khai nhiều chương trình tín dụng mới, có tác dụng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hướng vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, nhất là tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa..., góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, khóa XI. Cơ chế, chính sách tín dụng phục vụ hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên được rà soát sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện mở rộng tín dụng đến các đối tượng chính sách, hỗ trợ công tác an sinh xã hội,...

Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, góp phần phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống, hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu; tổ chức, bộ máy được tăng cường theo hướng tập trung, thống nhất.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, NHNN đã khẩn trương xây dựng, trình Bộ Chính trị thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 (Đề án 254). Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng và khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện theo đúng định hướng, lộ trình và cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Hệ thống các TCTD từ chỗ tồn tại nhiều rủi ro, yếu kém, sai phạm nghiêm trọng, nguy cơ đổ vỡ cao, đến nay đã được kiểm soát, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi; các TCTD yếu kém từng bước được xử lý, tái cơ cấu toàn diện; số lượng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm dần thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại; năng lực tài chính, vốn điều lệ, hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ tiếp tục được tăng cường. Tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách cơ cấu lại các TCTD nói riêng, đối với hệ thống ngân hàng nói chung được nâng cao, góp phần củng cố, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Cùng với Đề án 254, NHNN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD (Đề án 843). Trên cơ sở đó, NHNN ban hành Kế hoạch hành động của Ngành triển khai Đề án và tổ chức thực hiện quyết liệt với các giải pháp xử lý đồng bộ, đặc biệt là việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) theo mô hình đặc thù, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và yêu cầu xử lý nợ xấu không sử dụng tiền của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng kéo dài và chậm phục hồi, cơ chế, chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, việc xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả tích cực.

Hệ thống chính sách pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện theo hướng hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. NHNN đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trình Quốc hội thông qua Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng chống rửa tiền, Pháp lệnh ngoại hối; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 21 Nghị định, 05 Quyết định; Thống đốc NHNN ký ban hành 179 Thông tư và Thông tư liên tịch; đã rà soát bãi bỏ 167 văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Đã thực hiện mạnh mẽ việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của NHNN và của các đơn vị trực thuộc thông qua việc trình Chính phủ ban hành Nghị định 156/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN và Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 12/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị đầy đủ, cụ thể, rõ ràng và hợp lý hơn, giúp nâng cao hiệu quả thực thi các chức năng và vai trò quản lý nhà nước của NHNN.

Công tác thi đua khen thưởng có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ chế chính sách về thi đua khen thưởng ngày càng được hoàn thiện và đi vào thực chất hơn, quy trình xét duyệt khen thưởng đảm bảo đúng đối tượng, đúng thành tích, trong đó quan tâm chú ý đến cá nhân người lao động, đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động tích cực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Ngân hàng. Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngân hàng tiếp tục bám sát thực tiễn, đi sâu nghiên cứu những vấn đề có tính thời sự của Ngành và có tính ứng dụng thiết thực cho việc ban hành cơ chế chính sách, cải tiến quy trình nghiệp vụ ngân hàng, đóng góp vào việc cung cấp luận cứ khoa học để giải quyết một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Công tác cải cách hành chính của NHNN có nhiều chuyển biến tích cực: Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, giúp các TCTD, người dân và doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của NHNN; cải cách tài chính công được thực hiện đồng bộ, tập trung vào đẩy mạnh phân cấp quản lý về tài chính, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp; việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 vào hoạt động của các đơn vị, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn phòng, sử dụng dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các đơn vị.

Đã tích cực triển khai có hiệu quả Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015; trình Chính phủ ban hành mới Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt; ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về công tác thanh toán. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật về thanh toán tiếp tục được tăng cường. Số lượng máy giao dịch tự động ATM và các thiết bị chấp nhận thẻ POS tăng trưởng nhanh, kết nối liên thông trên phạm vi toàn quốc. Hoàn thành việc sáp nhập hai công ty chuyển mạch thẻ Smartlink và Banknetvn để hình thành Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất, tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán thẻ và người sử dụng thẻ. Thí điểm áp dụng một số mô hình dịch vụ thanh toán mới, hướng về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác giám sát các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế.

Công tác in, phát hành tiền theo đúng kế hoạch, tiến độ và khối lượng; chất lượng đồng tiền được nâng lên; chủ động trong việc tổ chức điều hòa, lưu thông tiền mặt, cung ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; đảm bảo an toàn kho quỹ trong hệ thống ngân hàng, góp phần tích cực đảm bảo an ninh tiền tệ và an toàn hệ thống ngân hàng. Chế độ kế toán ngành Ngân hàng đã từng bước đổi mới, tiếp cận chuẩn mực kế toán quốc tế, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị… Công tác kiểm toán nội bộ tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả tham mưu cho Ban lãnh đạo NHNN trong việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; giúp các đơn vị nhận diện và khắc phục kịp thời tồn tại, hạn chế, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành.

NHNN tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện Việt Nam tại các tổ chức tài chính quốc tế nhằm thu hút các nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách phục vụ cho xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.

Công tác thông tin, truyền thông của NHNN đã có những đổi mới căn bản, mạnh mẽ theo hướng chủ động và chuyên nghiệp hơn; nội dung, hình thức truyền thông được đa dạng hóa. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trong việc xây dựng, điều hành cũng như triển khai cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc phát sinh. Củng cố, tăng cường mối quan hệ công tác, cung cấp, trao đổi thông tin giữa NHNN với các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội; kịp thời giải quyết, xử lý kiến nghị của cử tri ngay tại địa phương; thực hiện đầy đủ việc báo cáo, giải trình với đại biểu Quốc hội.

Đạt được những kết quả đáng khích lệ nêu trên là do Đảng ủy Cơ quan NHTW đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các Vụ, Cục chuyên môn của NHNN lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc tham mưu điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kiên quyết, thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu; tập trung cao độ trong công tác xây dựng khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động ngân hàng; củng cố tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao vai trò, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN; đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường đầu tư và đổi mới công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện tốt công tác phát hành kho quỹ, công tác quản lý tài chính, tài sản; cải thiện đáng kể điều kiện cơ sở vật chất và hình ảnh của NHNN; tiếp tục tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng; đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông và quan hệ phối hợp với các cấp, các ngành, hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của ngành Ngân hàng.

Kết quả đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng giai đoạn qua đã được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Đảng ủy Cơ quan NHTW.

Phát huy kết quả đã đạt được và kiên quyết khắc phục, sửa chữa những hạn chế trong nhiệm kỳ qua, với tinh thần “Đoàn kết, nhất trí - Đổi mới, sáng tạo - Kỷ cương, trách nhiệm”, Đảng bộ Cơ quan NHTW nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ đề ra, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Văn phòng NHTW (Theo SBV)

 

 

Tin cùng chuyên mục