Vietcombank: Thi đua tạo sức mạnh lan tỏa
03/07/2015
Việc tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, mạnh mẽ trong toàn hệ thống Vietcombank đã thu hút toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động khắc phục khó khăn, phát huy tính đổi mới sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh.
Với phương châm “Đoàn kết, năng động, sáng tạo thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giai đoạn 2010-2015”, Vietcombank đã phát động các phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nhất như: Nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn; Tăng trưởng tín dụng và xử lý nợ xấu hiệu quả; Nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, giữ vững thị phần; Tăng cường công tác quản trị rủi ro; Hoàn thiện mô hình tổ chức và phát triển mạng lưới…
Song song với đó, ngân hàng cũng phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian nhất định như: Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Thi đua kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam; Thi đua chào mừng 50 năm thành lập Vietcombank; Thi đua xây dựng hình ảnh Giao dịch viên tiêu biểu; Thi đua chuyên đề đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thẻ Amex; Thi đua gói kích thích bán hàng nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử; Phong trào “Người Vietcombank sử dụng sản phẩm, dịch vụ Vietcombank” và “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Vietcombank”...
Ngoài ra, các phong trào thi đua phát huy sáng kiến và nghiên cứu khoa học cũng được toàn thể cán bộ viên chức hưởng ứng nhiệt tình, nhiều sáng kiến và đề tài khoa học được triển khai và đưa vào áp dụng thực tiễn.
Việc tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng, mạnh mẽ trong toàn hệ thống Vietcombank đã thu hút toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động khắc phục khó khăn, phát huy tính đổi mới sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh.
Bên cạnh đó, hưởng ứng các phong trào thi đua, Vietcombank đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, hoạt động tín dụng của Vietcombank đã được mở rộng đến tất cả các đối tượng là nông nghiệp, nông dân và nông thôn; thực hiện cấp tín dụng đến tất cả các lĩnh vực như chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, phát triển cây công nghiệp…
Chỉ tính từ năm 2012-2014, Vietcombank đã cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng số tiền lên đến 288,7 tỷ đồng. Song song với việc hỗ trợ cho vay, Vietcombank còn tích cực trong công tác an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển đời sống kinh tế cho khu vực nông thôn, như tham gia chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; Tài trợ xây dựng trường học, trạm y tế, cầu cho 2 huyện nghèo Đam Rông (Lâm Đồng), Tương Dương (Nghệ An) với tổng số tiền là 93 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Ninh Thuận: 30 tỷ đồng; xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo: 64 tỷ đồng…
Một trong những điểm nhấn trong công tác thi đua của Vietcombank là việc đổi mới công tác TĐKT được quán triệt và triển khai từ Hội sở chính đến các đơn vị trong toàn hệ thống. Việc khen thưởng đảm bảo chính xác trên nguyên tắc bình chọn từ cơ sở và đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, cùng mức độ đóng góp cho phong trào, không mang tính bình quân chủ nghĩa hoặc hình thức.
Đặc biệt, thời gian qua, Vietcombank đã bước đầu tin học hóa công tác quản lý TĐKT, hạn chế được tình trạng khen thưởng không đúng tiêu chuẩn cũng như tư vấn cho việc lập kế hoạch TĐKT hàng năm. Việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý TĐKT dựa trên nền tảng hệ thống quản trị nguồn nhân lực đã giúp cho công tác TĐKT đảm bảo sự đồng nhất và chính xác về thông tin, giảm thiểu tác nghiệp cho các bộ phận có liên quan đến công tác TĐKT tại đơn vị cũng như toàn hệ thống.
Việc nhân rộng các điển hình tiên tiến trong toàn hệ thống cũng như tại mỗi đơn vị thực sự đã tạo ra sự lan tỏa tốt, góp phần động viên người lao động hăng say lao động, tích cực cải tiến, sáng tạo đổi mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.
Theo lãnh đạo Vietcombank, phong trào thi đua phải xuất phát từ phong trào chung của Ngành và phải bám sát với thực tế, chỉ tiêu thi đua phải phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị. Các phong trào thi đua khi phát động phải được tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ nhân viên biết để tích cực tham gia và mọi người phải được bình đẳng trong thi đua.
Công tác khen thưởng phải khách quan, công bằng, coi trọng khen thưởng những tập thể, cá nhân trực tiếp làm việc. Song song với đó, là đẩy mạnh công tác tuyên truyền biểu dương, phổ biến kinh nghiệm hay của các gương điển hình tiên tiến trên bản tin và trang web của Vietcombank để kịp thời nhân rộng, tạo sự lan tỏa rộng khắp toàn hệ thống.
Trong giai đoạn 2015 – 2020, các phong trào thi đua sẽ bám sát theo định hướng kinh doanh của Vietcombank nhằm hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị. Nội dung các phong trào phù hợp với yêu cầu thực tế từng thời kỳ của toàn hệ thống, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn; Tăng trưởng tín dụng phù hợp đảm bảo an toàn, hiệu quả; Nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, giữ vững thị phần; Tăng cường công tác quản trị rủi ro; Củng cố quản trị hệ thống, đảm bảo tuân thủ kỷ cương, an toàn trong hoạt động; Hoàn thiện mô hình tổ chức và phát triển mạng lưới; Tăng cường công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực…
*
Kết quả khen thưởng
Với nỗ lực không ngừng, trong 5 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân trong toàn hệ thống được tặng thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng bậc cao. Năm 2013, Vietcombank vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp Vietcombank tròn 50 năm xây dựng và phát triển (1/4/1963-1/4/2013):
(i) Khen thưởng cấp Nhà nước:
- Huân chương Lao động hạng I: 02 tập thể
- Huân chương Lao động hạng II: 06 tập thể và 03 cá nhân
- Huân chương Lao động hạng III: 32 tập thể và 52 cá nhân
(ii) Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ:
- Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ: 20 tập thể
- Chiến sỹ thi đua toàn quốc: 05 cá nhân
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 101 tập thể và 115 cá nhân
(iii) Khen thưởng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
- Cờ thi đua của NHNN: 67 tập thể
- Chiến sỹ thi đua cấp ngành: 284 cá nhân
- Bằng khen của Thống đốc: 280 tập thể và 713 cá nhân Cùng nhiều phần thưởng của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố...
Trong giai đoạn 2010 – 2015, trên nhiều lĩnh vực hoạt động quan trọng, Vietcombank liên tục được các tổ chức uy tín trên thế giới bình chọn, đánh giá là “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam”; liên tục được nhận giải thưởng “Ngân hàng cung cấp dịch vụ tài trợ thương mại tốt nhất Việt Nam”; “Ngân hàng Ngoại hối tốt nhất năm 2013”; “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm 2014”; “Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” 2 năm liên tiếp (2013-2014)”... và nhiều các danh hiệu, giải thưởng khác trong nước và quốc tế trao tặng.
Mục tiêu chiến lược đến năm 2020 được Vietcombank xác định là: Ngân hàng đạt Top 1 Bán lẻ và Top 2 Bán buôn; Ngân hàng đạt hiệu suất sinh lời cao, đạt ROE 12%-15%; Ngân hàng đứng đầu về mức độ hài lòng của khách hàng; Ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực; Ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất.
Một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh chủ yếu giai đoạn 2015-2020 như sau: Tổng tài sản: tăng 12 - 13% /năm; Dư nợ cho vay: tăng 15 - 16%/năm; Huy động vốn: tăng 13 - 14%/năm; Hệ số an toàn vốn (CAR): đáp ứng yêu cầu của NHNN và quy định của hiệp ước Basel 2 (theo lộ trình Vietcombank xây dựng); Tỷ lệ nợ xấu: dưới 2,5%/năm; Tỷ suất lợi nhuận (ROE): tăng dần và phấn đấu đạt 12% vào năm 2020.
Thanh Thủy (theo thoibaonganhang)