Ngành Ngân hàng thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở: Công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của người lao động
03/07/2015
Trong 17 năm qua, việc xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong ngành Ngân hàng đã góp phần đổi mới phương thức hoạt động, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Nhân tổng kết 17 năm thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC), Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến - Trưởng Ban chỉ đạo QCDC ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã trao đổi với phóng viên về một số nội dung trong việc triển khai, thực hiện QCDC của Ngành.
PV: Thưa Phó Thống đốc, xin ông cho biết một số nội dung chính trong việc triển khai, thực hiện QCDC cơ sở trong ngành Ngân hàng?
PTĐ Nguyễn Đồng Tiến: Căn cứ nội dung Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 451/CT-BCS ngày 11/10/2013 của Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc của ngành Ngân hàng và các văn bản, chỉ thị, nghị định, nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, của Ngành có liên quan đến công tác dân chủ ở cơ sở, trong những năm qua, việc triển khai, thực hiện QCDC trong ngành Ngân hàng được đặc biệt quan tâm, triển khai sâu rộng đến các đơn vị trong toàn Ngành và đạt được kết quả cao. Ban Chỉ đạo (BCĐ) QCDC ngành Ngân hàng đã giao Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) là Thường trực BCĐ, tham mưu, xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện QCDC tại các cơ quan, đơn vị trong Ngành; đồng thời chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp chặt chẽ với chuyên môn quán triệt và tổ chức thực hiện QCDC tại các cơ quan, đơn vị theo quy định của Đảng, Nhà nước, và của ngành Ngân hàng.
BCĐ QCDC các cấp đãtham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sungcác nội quy, quy chế, quy định... của cơ quan, đơn vị phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế; các đơn vị trong Ngành đã tăng cường việc công khai các nội dung liên quan đến hoạt động của đơn vị như kế hoạch, kết quả công tác, kinh doanh và quyền lợi người lao động... ; xây dựng đầy đủ các nội quy, quy chế nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ trực tiếp trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, như: Quy chế làm việc, Quy chế thi đua - khen thưởng, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, Quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các bộ phận chức năng, phòng, ban chuyên môn, Nội quy tiếp công dân, …
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tặng hoa chúc mừng Ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2015 - 2017 tại Hội nghị đại biểu CBCC Cơ quan NHNNTW (6/2015)
Đặc biệt, trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, việc thực hiện nghiêm túc QCDC trong ngành Ngân hàng đã góp phần tích cực trong việc sắp xếp lại doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp và việc xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định. Việc thực hiện công khai, minh bạch,… làm tốt công tác dân chủ ở cơ sở đã giúp cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực thi nhiệm vụ và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định, vì sự phát triển của doanh nghiệp và của ngành Ngân hàng.
Đ/c Nguyễn Đồng Tiến - Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến ngành Ngân hàng giai đoạn 2011 - 2013 (6/2014)
PV: Qua 17 năm thực hiện QCDC, Phó Thống đốc có nhận xét gì về những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai nội dung này?
PTĐ Nguyễn Đồng Tiến: Việc thực hiện QCDC trong ngành Ngân hàng được BCS Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao, giao vai trò, trách nhiệm thực hiện QCDC cho cấp uỷ Đảng, trước hết là Bí thư và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Đây là thuận lợi lớn, tạo được sự đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến cơ sở trong việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong mỗi cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó CĐNHVN là đơn vị thường trực của BCĐ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực trong việc phối hợp với chuyên môn, các tổ chức đoàn thể khác làm tốt công tác tuyên truyền về dân chủ cơ sở, tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở một cách bài bản, nghiêm túc. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ ngành Ngân hàng có trình độ cao và đồng đều, có ý thức, trách nhiệm cũng là một thuận lợi trong việc tiếp nhận và thực hiện các văn bản, quy định của Nhà nước, của Ngành về dân chủ cơ sở, đồng thời cũng phát huy được trí tuệ tập thể trong việc công khai thảo luận, bàn bạc lấy ý kiến về các hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc thực hiện QCDC ở cơ sở cũng còn gặp khó khăn nhất định. Những diễn biến phức tạp về kinh tế - chính trị - xã hội thế giới, trong nước những năm gần đây đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng, môi trường và điều kiện làm việc của CNVCLĐ; quá trình tái cấu trúc, sáp nhập, cổ phần hóa doanh nghiệp cùng với việc sắp xếp, phân loại lao động... cũng làm cho quan hệ lao động trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi việc thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở cần phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ là ủy viên BCĐ QCDC các cấp phần lớn là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi theo nhiệm kỳ công tác, nên cũng có phần hạn chế đối với việc nghiên cứu chuyên sâu, nắm bắt tình hình và kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai QCDC tại cơ sở. Ngoài ra, còn có một số đơn vị do áp lực nhiệm vụ chuyên môn nên chưa thực sự chú trọng đến việc thực hiện quy chế dân chủ tại đơn vị, hoặc thực hiện mang tính hình thức.
Hội nghị CBCC Cơ quan Công đoàn NHVN (3/2015)
PV: Để QCDC thực sự phát huy vai trò của mình, theo Phó Thống đốc trong thời gian tới, việc thực hiện QCDC trong ngành Ngân hàng cần triển khai như thế nào?
PTĐ Nguyễn Đồng Tiến: BCĐ QCDC ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 451/CT-BCS của Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 606/CTr-CĐNH ngày 11/11/2013 của ngành Ngân hàng về “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Ban lãnh đạo chuyên môn, phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong tổ chức triển khai và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức đoàn thể trong việc phát huy quyền làm chủ, tính sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc năng suất, hiệu quả, chất lượng …; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối làm việc, ngăn chặn và phòng chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực.
Hội nghị người lao động Bảo hiểm Tiền gửi VN năm 2015 (6/2015)
Đồng thời, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc tham gia các hoạt động của cơ quan, thực hiện nghiêm túc những việc phải công khai, tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra cho của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế dân chủ đối với các đơn vị thuộc khu vực ngoài nhà nước. Thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ trong việc tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo chuyên môn, đảm bảo việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy được tối đa trí tuệ và tính sáng tạo của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
09 Công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc CĐNHVN ký giao ước thi đua năm 2015
PV: Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
PV