Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ tư, 15/01/2025 | 05:22

Chính sách - xã hội - thi đua

Y Sếp Niê - Người cán bộ Ngân hàng Chính sách tại Tây Nguyên

18/06/2015

Tính đến nay, thời gian công tác của anh Y Sếp Niê ở Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hơn 12 năm.

Tính đến nay, thời gian công tác của anh Y Sếp Niê ở Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hơn 12 năm.

Anh được cơ quan tin tưởng giao nhiệm vụ vừa là Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng thuộc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar, vừa là cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn xã, kiêm lái xe phục vụ công tác đi giao dịch tại xã. Rất tâm huyết và yêu ngành, với trách nhiệm và nhiệm vụ được giao “3 trong 1”, mặc dù rất vất vả và có nhiều khó khăn, anh đã không ngừng học hỏi trong thực tế, trong sách vở, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các đồng nghiệp, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phát huy lợi thế nói được 2 thứ tiếng là tiếng Kinh và tiếng Ê Đê, anh đem hết sức mình phục vụ cho bà con là hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt đối với bà con là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với trình độ dân trí còn thấp, năng lực tổ chức sản xuất còn hạn chế, điều kiện tiếp cận với nguồn vốn còn khó khăn; thường xuyên tận tâm giúp đỡ họ nên được bà con dân tộc rất tin yêu.

Y Sếp Niê (ngoài cùng bên phải) thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay ưu đãi. (Ảnh Đông Dư)

Huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cách thành phố Buôn Ma Thuột 20km, dân số 166 nghìn người, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 10,2%; hộ cận nghèo chiếm hơn 8,2%; hơn 95% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn phổ biến, công tác giảm nghèo chưa bền vững; trình độ dân trí không đồng đều giữa các dân tộc, vùng, cụm dân cư, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Xác định Tổ Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng là Tổ rất quan trọng, có tính quyết định trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đã chủ động tham mưu một cách hiệu quả cho Ban lãnh đạo trong các việc, như: phân công công việc cho cán bộ tín dụng; giao chỉ tiêu thu lãi, thu nợ quá hạn, nợ đến hạn, huy động tiền gửi tiết kiệm hàng tháng; các biện pháp xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ không có khả năng thu hồi, phân bổ vốn cho các xã, thị trấn; xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng; tham mưu cho Ban lãnh đạo về các nội dung họp Ban đại diện Hội đồng quản trị; làm việc với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện; tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách. Anh thường xuyên bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng của cấp trên giao, đảm bảo tăng trưởng dư nợ hàng năm theo đúng chỉ tiêu được giao ; xây dựng kế hoạch công tác trong tổ rõ ràng, triển khai công việc cụ thể đến từng cán bộ tín dụng, đôn đốc, nhắc nhở anh em trong tổ thực hiện tốt nhiệm vụ và phối hợp với đơn vị nhận ủy thác, chính quyền địa phương thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

Tính đến ngày 31/3/2015, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar đạt tổng dư nợ 230 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,35% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ thu lãi hàng năm đạt trên 98%. Huy động tiền gửi tiết gửi kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 7,3 tỷ đồng. Đây là những con số vàng trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài công việc chung, anh được giao nhiệm vụ cụ thể là cán bộ tín dụng trực tiếp theo dõi 3 đơn vị, gồm thị trấn Ea Pook và 2 xã Ea Mdrooh, Ea Tul. Anh luôn thể hiện được vai trò, trách nhiệm công việc phải làm. Tính đến cuối tháng 3/2015, tổng dư nợ 3 đơn vị anhphụ trách đạt 54 tỷ 544 triệu đồng; trong đó nợ quá hạn 109 triệu đồng, chiếm 0,2%. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm 5% - 6%. Doanh số thu lãi bình quân hàng tháng đạt trên 98,5% số lãi phải thu. Anh đã thường xuyên hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao.

Cũng như vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ người nghèo là một bước đổi mới vượt bậc, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số trong việc sử dụng đồng tiền vay. Từ sản xuất tự cung, tự cấp, bà con đã biết giành dụm chi tiêu, thực hành tiết kiệm nên không những tiền gửi của người nghèo được tăng lên hàng tháng về doanh số mà số lượng thành viên tham gia gửi tiền đều đặn hàng tháng cũng được tăng lên. Tính đến cuối năm 2014, số tiền gửi tiết kiệm của người nghèo tại thị trấn và 2 xã anh phụ trách tăng 2 tỷ 600 triệu đồng so với năm 2011, có hơn 2.212 khách hàng đang vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm tỷ lệ 96% thành viên vay vốn trên địa bàn.

Có được kết quả khả quan là do bản thân anh luôn luôn suy nghĩ và làm việc thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, luôn gần gũi với bà con hộ nghèo, đến với bà con, cùng tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, đem những kiến thức và kinh nghiệm của mình có được trong lĩnh vực sản xuất đến cho bà con, để góp phần giúp họ sử dụng vốn vay vào mục đích sản xuất kinh doanh sao cho đạt hiệu quả. Tuyên truyền giải thích cho bà con hiểu, biết về các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đối với các hộ là người dân tộc Ê Đê, tôi nói chuyện gần gũi bằng tiếng mẹ đẻ nên bà con dễ hiểu. Đồng thời luôn nghiên cứu và thực hiện các văn bản hương dẫn, văn bản chỉ đạo của cấp trên, Nghị quyết của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội để vận dụng vào công việc của mình; chủ động tham mưu tốt cho cấp ủy địa phương, UBND xã nơi mình phụ trách trong việc thực hiện tín dụng chính sách của Nhà nước. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức triển khai cho vay, thu nợ và xử lý các vụ việc phát sinh trên địa bàn. Tổ chức giao ban vào ngày giao dịch cố định hàng tháng, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động tại cơ sở để có những biện pháp xử lý kịp thời; thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động trên địa bàn cho cấp ủy đảng, chính quyền xã để xin ý kiến chỉ đạo. Và luôn bám sát và hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do cấp trên phát động, từ đó có định hướng cụ thể để triển khai các nhiệm vụ được giao.

 

PV

Tin cùng chuyên mục