Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 11:40

Tuyên truyền - Giáo dục

Ngân hàng Việt Nam - 64 năm xây dựng và phát triển (6/5/1951 - 6/5/2015)

28/04/2015

Ngày 6 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

I. Lịch sử hình thành Ngân hàng Việt Nam:

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Hệ thống tiền tệ, tín dụng ngân hàng được thiết lập và hoạt động  chủ yếu phục vụ chính sách thuộc địa của Nhà nước Pháp ở Việt Nam. Trong suốt thời kỳ thuộc địa, sự hình thành và phát triển của hệ thống tiền tệ, tín dụng đều do Chính phủ Pháp xếp đặt, bảo hộ thông qua Ngân hàng Đông Dương. Thực chất, Ngân hàng Đông Dương hoạt động với tư cách là một Ngân hàng phát hành Trung ương, đồng thời là một ngân hàng kinh doanh đa năng bao gồm các nghiệp vụ ngân hàng thương mại và nghiệp vụ đầu tư.

Sau Cách mạng tháng 8, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cách mạng là phải từng bước xây dựng nền tiền tệ độc lập, tự chủ, công cụ quan trọng của chính quyền để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiệm vụ này dần trở thành hiện thực khi bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam ngày một tiến triển mạnh mẽ với những chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường và vùng giải phóng không ngừng được mở rộng. Sự chuyển biến của cục diện cách mạng đòi hỏi công tác kinh tế, tài chính phải được củng cố và phát triển theo yêu cầu mới.

Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2/1951) đã đề ra những chủ trương, chính sách mới về tài chính - kinh tế, trong đó chính sách tài chính có nội dung cơ bản là: chính sách tài chính phải kết hợp chặt chẽ với chính sách kinh tế, tăng thu trên cơ sở đẩy mạnh tăng gia sản xuất; giảm chi bằng cách tiết kiệm, thực hiện dân chủ hóa chế độ thuế, qui định rõ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; thành lập Ngân hàng Quốc gia, phát hành đồng bạc mới để ổn định tiền tệ, cải tiến chế độ tín dụng.

Trên cơ sở đó, ngày 6 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với các nhiệm vụ chủ yếu là: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ, quản lý Kho bạc nhà nước, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất, phối hợp với mậu dịch để quản lý tiền tệ và đấu tranh tiền tệ với địch.

Sau khi hoàn thành căn bản công cuộc cải tạo, quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa được thiết lập và chiếm địa vị chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, miền Bắc bước vào thời kì công nghiệp hóa đất nước.

Nhằm phát huy tốt hơn vai trò của ngân hàng, ngày 26/10/1961, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 171/CP đổi tên Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời qui định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

II. Tóm tắt quá trình hoạt động của Ngân hàng Việt Nam:

1. Thời kì 1951- 1954.  Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập và hoạt động độc lập tương đối trong hệ thống tài chính. Trong thời kì này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng, nổi bật:

- Phát hành giấy bạc Ngân hàng, thu hồi giấy bạc Tài chính và củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của nước nhà. Tổ chức phát hành tiền và quản lí lưu thông tiền tệ, đấu tranh đẩy lùi lạm phát nhằm củng cố sức mua của đồng tiền.

- Thực hiện quản lý Kho bạc Nhà nước góp phần tăng thu, tiết kiệm chi, thống nhất quản lý thu chi ngân sách.

- Phát triển tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh.

- Quản lí ngoại hối và đấu tranh tiền tệ với địch.

2. Thời kì 1955-1975. Đây là thời kì cả nước kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc vừa xây dựng, chiến đấu, vừa chi viện cho cách mạng giải phóng miền Nam. Hoạt động của Ngân hàng Quốc gia chuyển sang một giai đoạn mới.

- Giai đoạn tiếp quản vùng giải phóng và khôi phục kinh tế sau chiến tranh: Phát hành tiền ta, thu đổi tiền địch trong vùng mới giải phóng, thiết lập thị trường tiền tệ duy nhất trên miền Bắc, thu hồi tiền ta ở miền Nam.

Phát hành và điều hòa lưu thông tiền tệ, ổn định giá trị đồng tiền; phát triển tín dụng ngân hàng, phục vụ khôi phục kinh tế và tăng cường kinh tế quốc doanh; mở rộng huy động tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi tư nhân và tăng nguồn vốn quản lí để phát triển cho vay, giảm bớt nguồn vốn phát hành.

- Giai đoạn cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa (1958 - 1960): Thu đổi tiền tệ cũ, phát hành tiền mới và quản lí, điều hòa lưu thông tiền tệ phục vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Phát triển và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, xác định vai trò trung tâm thanh toán của ngân hàng.

Tín dụng ngân hàng phục vụ công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và tăng cường phát triển kinh tế quốc doanh.

Tăng cường nguồn vốn quản lí, huy động, thay đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm vốn phát hành trong hoạt động tín dụng.

Đẩy mạnh quản lí, kinh doanh ngoại hối, mở rộng thanh toán và tín dụng quốc tế, thực hiện chính sách nhà nước thống nhất quản lí, kinh doanh vàng bạc.

Phát triển hệ thống tổ chức, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ.

- Giai đoạn từ năm 1961 - 1975: Quản lí tiền tệ, phấn đấu củng cố sức mua của đồng tiền; tín dụng ngân hàng phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước; quản lí và huy động vốn để đáp ứng yêu cầu mở rộng cho vay; thanh toán không dùng tiền mặt; công tác quản lí ngoại hối, thanh toán và tín dụng quốc tế cũng phục vụ tích cực công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.

3. Thời kì 1975-1985: Là giai đoạn khôi phục kinh tế sau chiến tranh giải phóng và thống nhất nước nhà.

- Xây dựng hệ thống ngân hàng mới của chính quyền cách mạng và thanh lí hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam. Xây dựng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất trong cả nước.

- Cải tiến và mở rộng tín dụng; chú trọng công tác quản lí và huy động vốn; thu hồi tiền cũ, phát hành tiền mới, quản lí lưu thông tiền tệ thống nhất trong cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường quản lí ngoại hối và mở rộng quan hệ thanh toán, tín dụng quốc tế trong giai đoạn mới (cả trong thời kì kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1976 - 1980 và kế hoạch 5 năm lần thứ ba 1981 - 1985).

4. Thời kì 1986 đến nay: Là quá trình đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống Ngân hàng Việt Nam:

- Giai đoạn bước đầu đổi mới, 1986 - 1989: Thực hiện thí điểm cơ chế hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa; thành lập các ngân hàng chuyên doanh, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ngân hàng Công thương TP Hồ Chí Minh).

Ngân hàng Nhà nước ban hành các thể lệ chung về tín dụng, tiền mặt, thanh toán… áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.

- Giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống ngân hàng, từ 1990 đến nay:

Đổi mới mô hình tổ chức hệ thống ngân hàng thành hệ thống ngân hàng 2 cấp. Ra đời 2 pháp lệnh: Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh về Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính (5/1990 Hội đồng Nhà nước thông qua và có hiệu lực từ 10/1990). Hai Pháp lệnh đã tách bạch chức năng Ngân hàng Nhà nước là Ngân hàng Trung ương, có chức năng quản lí nhà nước đối với hệ thống ngân hàng; chức năng kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng thuộc về các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Tạo lập một hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh tiền tệ và cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật.

Bước đầu hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường (về chính sách tín dụng, chính sách đối với ngân sách nhà nước, chính sách quản lí ngoại hối); lựa chọn các công cụ vĩ mô điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với khả năng và điều kiện của Việt Nam; xây dựng hệ thống quản lí, giám sát các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; từng bước hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp đổi mới ngân hàng.

Quan hệ hợp tác giữa Việt nam và cộng đồng tài chính quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á) được tái lập và khơi thông (tháng 10/1993).

Ngày 2/12/1997, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa X chính thức thông qua và có hiệu lực thi hành từ  ngày 1/10/1998.

Ngày 16/6/2010 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XII chính thức thông qua và có hiệu lực thi hành từ  ngày 01/01/2011. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm sự an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

III. Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2015:

- Mục tiêu phát triển: Tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý... Mục tiêu trong năm 2015, tổng phương tiện thanh toán tăng 16 - 18%; tăng trưởng tín dụng 13 - 15%; lãi suất điều hành phù hợp với thị trường và cân đối vĩ mô, cố gắng đưa lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm 1 - 1,5%; mục tiêu đến cuối năm 2015 tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

- Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2015, NHNN xác định: 

+ Thứ nhất, điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, không chủ quan với lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn thanh khoản của các TCTD. 

+ Thứ hai, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. 

+ Thứ ba, thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. 

+ Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

+ Thứ năm, tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác.

 NHNN phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu định hướng điều hành: Tín dụng tăng khoảng 13 - 15% nhưng được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Tin cùng chuyên mục