Công đoàn Ngân Hàng Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2025 | 15:58

Tin hoạt động ngân hàng

Nắn dòng tín dụng chảy vào lĩnh vực nông sản xuất khẩu

08/04/2015

“Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được xem là vùng xuất khẩu nông sản trọng điểm của nước ta, có được vị thế như vậy phần lớn nhờ vào sự đổi mới về mặt cơ chế, chính sách. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, ngành Ngân hàng trong thời gian qua luôn tập trung hướng dòng vốn cho sản xuất nông nghiệp”.

“Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được xem là vùng xuất khẩu nông sản trọng điểm của nước ta, có được vị thế như vậy phần lớn nhờ vào sự đổi mới về mặt cơ chế, chính sách. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, ngành Ngân hàng trong thời gian qua luôn tập trung hướng dòng vốn cho sản xuất nông nghiệp”. 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo

Đó là phát biểu của ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre tại Hội thảo “Vai trò của tín dụng đối với nông sản xuất khẩu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” do NHNN và UBND tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức ngày 7/4/2015 tại TP. Bến Tre. Đây là Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Dừa Bến tre lần IV năm 2015 tổ chức từ ngày 7 đến 13/4/2015.

Chủ trì Hội thảo là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Võ Thành Hạo; Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh; Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nguyễn Thị Kim Thanh; Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Võ Minh Tuấn. Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng, hơn 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo Sở, ban, ngành, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre và đại diện các Sở NN&PTNT khu vực ĐBSCL; Đại diện các đơn vị trong hệ thống NHNN, đại diện lãnh đạo các NHTM. Đặc biệt có sự hiện diện của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý của các ngành liên quan và đông đảo các nhà báo của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Chính sách với nông sản xuất khẩu

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, nhận thức được vai trò quan trọng của các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của vùng đối với sự phát triển của khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của khu vực đặc biệt là các sản phẩm nông sản xuất khẩu. “Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của khu vực phát triển nhanh, bền vững, mang lại đời sống ấm no cho người dân trong khu vực. Ngành Ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp và người dân trong khu vực để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu là thế mạnh của khu vực ĐBSCL”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.

Đổi mới cơ chế chính sách được coi là động lực để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho rằng, tỉnh Bến Tre đang cùng cả nước triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. “NHNN đã phối hợp với một số bộ, ngành và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiến hành khảo sát, lựa chọn một số mô hình liên kết có hiệu quả giữa doanh nghiệp với hộ nông dân để tổ chức thí điểm chương trình cho vay hỗ trợ đối với các mô hình liên kết. NHNN sớm có tổng kết của chương trình thí điểm này để đánh giá và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng mô hình”, ông Trọng nói.

Chính sách tín dụng xuất khẩu (TDXK) đã có sự điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình thực tế, TS.Vũ Như Thăng – Viện trưởng- Viện Chiến lược chính sách – Bộ Tài chính cho rằng, Nghị định 54/2013/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng cho vay TDXK (các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu) và gia hạn thời gian tối đa cho vay từ 12 tháng lên 36 tháng đối với rau quả và thủy sản. Nghị định 133/2013/NĐ-CP tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay được gia hạn tối đa 36 tháng đối với mặt hàng hạt điều và cà phê (ngoài rau quả và thủy sản). “Ngoài ra, lãi suất TDXK cũng được điều chỉnh linh hoạt đảm bảo cho các đối tượng cho vay được hưởng mức lãi suất ưu đãi hơn so với mức lãi suất thị trường. Theo Thông tư số 189/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài chính, lãi suất TDXK của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 7,2%/năm (tối đa 36 tháng). Trong khi đó, mức lãi suất thị trường cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên là 9-10% / năm (trung và dài hạn). Vốn tín dụng xuất khẩu (TDXK) nhà nước trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL tập trung đầu tư hỗ trợ ngành nghề kinh tế mũi nhọn tại địa phương” TS Thăng phân tích.

Đồng quan điểm với TS. Thăng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Võ Minh Tuấn cho biết biết, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên cả nước nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng phục hồi, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. “NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời NHNN có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn như ưu tiên trong tái cấp vốn và thực hiện giảm dự trữ bắt buộc đối với các TCTD có tỷ lệ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên. Thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, kéo dài thời hạn thực hiện quy định cho phép các TCTD được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn… Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ (hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa là 7%/năm)’’, ông Tuấn cho biết.

Nguồn vốn ngân hàng thúc đẩy phát triển sản xuất

Bên cạnh các chính sách chung, NHNN đã phối hợp với các Bộ, Ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của khu vực ĐBSCL. Nói về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Võ Minh Tuấn dẫn chứng hàng loạt các chương trình như: “Chương trình cho vay thí điểm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với lãi suất cho vay ưu đãi từ 7%-10,5%/năm và mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn. Chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá lúa trong thời kỳ thu hoạch của nông dân; Chính sách tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm; Chính sách tín dụng hỗ trợ cho người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh không trả được nợ ngân hàng, chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách tín dụng phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ...”.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh của vùng thì những kết quả đạt được còn chưa tương xứng, giá trị xuất khẩu các sản phẩm này mới chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng giá trị các mặt hàng xuất khẩu (12,3 tỷ đôla năm 2014). TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần phải ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn và nông nghiệp, đặc biệt tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp, sản xuất vật tư nông nghiệp, dịch vụ khoa học công nghệ. Bên cạnh đó là bảo lãnh và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo lãnh và cho hợp tác xã vay phát triển sản xuất kinh doanh, cho nông dân vay mua thiết bị máy móc, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa đối tượng vay (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) trong trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn và chế biến lâm sản.

“Hỗ trợ đa dạng hóa các hoạt động tài chính nông thôn như cho vay, bảo hiểm thiên tai và bảo hiểm sản xuất. Hỗ trợ tín dụng theo chuỗi ngành hàng, lấy doanh nghiệp thu mua, chế biến làm trung tâm. Khuyến khích ngân hàng cung cấp tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh có vùng nguyên liệu được tổ chức và có hợp đồng nông sản với nông dân. Doanh nghiệp sử dụng khoản vay để ứng trước vốn, giống, vật tư, thiết bị cho nông dân có hợp đồng nông sản với doanh nghiệp. Nông dân có thể gửi hàng vào kho của doanh nghiệp và nhận giấy bảo lãnh của doanh nghiệp để vay vốn của ngân hàng”, ông Tuấn phân tích.

Đồng quan điểm này,TS. Vũ Như Thăng – Viện trưởng - Viện Chiến lược chính sách – Bộ Tài chính đã đưa ra dẫn chứng về chính sách bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) sau 3 năm triển khai chưa đạt được mục tiêu đề ra. “Sau 3 năm thực hiện (2011-2013) chương trình thí điểm BHTDXK chưa đạt được mục tiêu đặt ra theo Quyết định 2011/QĐ-TTg (3% kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm đến hết năm 2013). Thực tế, giá trị kim ngạch xuất khẩu tham gia BHTDXK năm 2011 mới đạt 0,12%, năm 2012 đạt 0,14%, năm 2013 là 0,26% kim ngạch xuất khẩu. Số doanh nghiệp tham gia BHTDXK cũng chưa khả quan, sau 3 năm thực hiện (2011-2013) các doanh nghiệp bảo hiểm mới cấp được 46 hợp đồng bảo hiểm, trong đó có 23 hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và 23 hợp đồng bảo hiểm hỗ hợp bảo hiểm cho cả doanh thu xuất khẩu và doanh thu hàng nội địa.

Trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng cho các tỉnh vùng ĐBSCL, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo số liệu giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, dư nợ tín dụng của vùng ĐBSCL không ngừng gia tăng qua các năm, cụ thể tăng từ 271.556 tỷ đồng năm 2012, 302.794 tỷ đồng năm 2013 lên 334.146 tỷ đồng năm 2014 (chiếm khoảng hơn 9% so với tổng dư nợ tín dụng của cả nước).

Đồng tình với các ý kiến trên, là đơn vị được lợi trực tiếp từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để đầu tư sản xuất giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới Huỳnh Thị Cẩm Châu cho biết, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của công ty trong những năm vừa qua đó chính là nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, hiện công ty đang vay vốn lưu động một số NHTM với hạn mức hơn 165 tỷ đồng, hiện sử dụng 70 - 80% hạn mức tín dụng. ‘‘Sản lượng hàng năm của công ty khoảng 40.000 tấn các loại sản phẩm dừa, 90% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và EU, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5 triệu U SD năm 2010 lên 12,8 triệu U SD năm 2014, dự kiến năm 2015 là 30 triệu USD). Không riêng gì công ty chúng tôi, các chính sách và nguồn vốn tín dụng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng tích cực đến tất cả các hộ gia đình và doanh nghiệp trên địa bàn”, bà Châu nói.

Những nỗ lực của ngành Ngân hàng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực của kinh tế vùng ĐBSCL. Kim ngạch xuất khẩu vùng năm 2014 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,87% so với 2013 với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ. Nguồn vốn ngân hàng đã làm thay đổi diện mạo của khu vực ĐBSCL, góp phần thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của khu vực. Những đánh giá thực trạng, đề xuất từ Hội thảo là những thông tin hết sức bổ ích để NHNN đóng vai trò đầu mối khuyến nghị về chính sách đến các cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân cũng như đối với chính NHNN tiếp thu và xây dựng các chính sách, sử dụng các công cụ của chính sách thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản vùng ĐBSCL trong thời kỳ tới.

 

Bài và ảnh: Ngọc Quyết (theo sbv)

Tin cùng chuyên mục