Ngành Ngân hàng: Dành hơn 1.247 tỉ đồng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn
Thứ hai, 18/11/2019 - 11:25
Trong thời gian qua hoạt động ASXH của ngành Ngân hàng nói chung, công tác ASXH của hệ thông Công đoàn NHVN nói riêng vẫn luôn được các cấp trong Ngành duy trì, với số tiền hơn 1.247 tỉ đồng cho các hoạt động hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Ngành Ngân hàng: Dành hơn 1.247 tỉ đồng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn
Trong thời gian qua hoạt động an sinh xã hội (ASXH) của ngành Ngân hàng nói chung, công tác ASXH của hệ thông Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nói riêng vẫn luôn được các cấp trong Ngành duy trì, với số tiền hơn 1.247 tỉ đồng cho các hoạt động hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đồng chí Nguyễn Văn Tân - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết:
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Các hoạt động ASXH được các cấp trong hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam triển khai rộng khắp và có hiệu quả.
Chỉ riêng trong năm 2018, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng dành trên 1.247 tỉ đồng để triển khai các hoạt động ASXH trên toàn quốc, trong đó tổ chức công đoàn đã thực hiện trên 249 tỉ đồng.
CĐNHVN tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách tại Sơn La
Các hoạt động ASXH đã được triển khai tập trung vào một số chương trình lớn như: Xóa nhà tạm, nhà dột nát vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở (1.651 căn); xây dựng trường học, trạm y tế, nâng cao điều kiện học tập, khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn (79 công trình giáo dục, 26 trạm y tế, xe cứu thương...); xây dựng đường, cầu dân sinh cho vùng khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ; hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng cấp thiết, giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống (tổng số tiền hỗ trợ là 25 tỉ đồng).
Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ trẻ em nghèo, khuyết tật, trẻ em vùng sâu, vùng xa thông qua các chương trình tặng học bổng, tặng quà Tết, chăn, quần áo ấm; Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo thương bệnh binh, gia đình chính sách và các hoạt động an sinh khác.
PV: Thưa đồng chí, để công tác ASXH đạt hiệu quả cao, một điều không thể thiết là nguồn kinh phí. Vậy, để có được số tiền lên đến trên 1.247 tỉ đồng nhằm chia sẻ đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa… Công đoàn Ngân hàng đã triển khai những biện pháp nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Tân:
Hàng năm, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động ASXH của các cấp trong hệ thống Công đoàn Ngân hàng Việt Nam có được nhờ huy động từ nguồn đóng góp, ủng hộ của đoàn viên, người lao động trong toàn hệ thống, theo sự phát động của Công đoàn các cấp và một phần kinh phí do chuyên môn đóng góp, tài trợ.
Để có được thành tích trên, trước hết là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối kết hợp, tạo điều kiện của chuyên môn các cấp và không thể không kể đến vai trò hết sức quan trọng của tổ chức công đoàn các cấp trong việc tổ chức vận động và triển khai có hiệu quả các chương trình ASXH theo chỉ đạo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng cần biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, đạo lý uống nước nhớ nguồn của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng đã tích cực, tự giác tham gia hưởng ứng, ủng hộ một phần thu nhập của bản thân cho các chương trình, hoạt động do công đoàn phát động. Có được nghĩa cử cao đẹp đó cũng là nhờ xuất phát từ tinh thần con dân nước Việt đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh gian khổ, với bao đau thương mất mát, sự kế thừa và phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”…
Với bề dày truyền thống, luôn tiên phong trong công tác ASXH của ngành Ngân hàng, nên mỗi cán bộ, đoàn viên, người lao động luôn giác ngộ và ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, đối với xã hội và sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ khi cần.
PV: Thưa đồng chí để hoạt động ASXH tiếp tục đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam sẽ đề ra những giải pháp nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Tân:
Trong thời gian tới, để hoạt động ASXH tiếp tục đạt hiệu quả cao, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đề ra những giải pháp sau:
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng (Quyết định số 1555/QĐ-NHNN ngày 07/8/2012 của Thống đốc); Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT-TLĐ-NN&PTNT ngày 24/12/2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam Về việc đẩy mạnh phong trào CNVCLĐ thi đua phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2010 - 2020.
Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt trong cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần “Tương thân, tương ái”; kết hợp với tuyên truyền việc “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Cùng với đó, phát huy tính tích cực, chủ động của tổ chức công đoàn trong việc phát động và chỉ đạo triển khai thực hiện công tác ASXH, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng có hoàn cảnh khó khăn; chính sách đền ơn đáp nghĩa, tri ân đối với người có công… Đặc biệt, chú trọng, quan tâm đối với đoàn viên, người lao động trong Ngành đã, đang làm việc bị bệnh hiểm nghèo; đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
Gia Minh thực hiện