[In trang]
Hội nghị trực tuyến Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017.
Thứ ba, 17/10/2017 - 14:29
Chiều ngày 16/10/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017.

Chiều ngày 16/10/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002 - 2017.

Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng.


Cách đây 15 năm, cùng với Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nhằm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng tăng lên. Có hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, đối tượng đến gần 7 triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có dư nợ, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp cho thấy quản lý của hệ thống NHCSXH rất tốt. Kể cả chương trình cho vay HSSV, trước chúng tôi rất lo lắng nhưng giờ con số rất phấn khởi. Con số nợ quá hạn cho thấy chất lượng, đối tượng cũng như cán bộ làm tín dụng chính sách ở cơ sở địa phương tận tâm, tận lực đối với tín dụng chính sách".

Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là giảm nghèo bền vững. Đây là định hướng quan trọng của đất nước. Tính nhân văn của Chương trình xoá đói giảm nghèo rất quan trọng, huy động nhiều nguồn lực để giúp người dân xoá đói giảm nghèo. Việc tiếp cận vốn tạo chuyển biến mạnh mẽ vùng nghèo, dân tộc, vùng sâu vùng xa…

Trước đây, người nghèo thường có tâm lý mặc cảm tự ti, sợ vay vốn, kể từ khi có tín dụng chính sách, đến nay bà con vay đã có ý thức làm ăn để trả nợ vay vốn. Đồng vốn này góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi.

Bên cạnh đó, cần chú trọng và nâng cao chất lượng tín dụng. Cần chú ý đào tạo nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tín dụng. NHCSXH cần phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo để giúp họ vươn lên thoát nghèo bễn vững.

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, đồng thời, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT, một Phó Thống đốc là thành viên HĐQT của NHCSXH, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, các đơn vị chức năng của NHNN cũng như các NHTM Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện tối đa cho NHCSXH trong việc ban hành các cơ chế chính sách có liên quan và đảm bảo nguồn vốn cho vay, giúp NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần cũng đã thực hiện cho vay nhiều chương trình tín dụng chính sách đối với một số đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội chung của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của NHCSXH

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo NHCSXH, các đơn vị chức năng của NHNN và các NHTM Nhà nước triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ trong tâm. Đó là phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, yếu kém hiện nay để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Củng cố và hoàn thiện thêm một bước phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách và mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách. Đánh giá lại hiệu quả từng chương trình tín dụng chính sách hiện nay để đề xuất định hướng thực hiện trong thời gian tới theo hướng kết thúc những chương trình đạt hiệu quả thấp và tập trung cho vay các chương trình đạt hiệu quả cao, có nhiều đối tượng thụ hưởng, tránh cho vay dàn trải trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn và chuẩn nghèo ngày càng toàn diện.

Hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho NHCSXH hoạt động an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo các NHTM Nhà nước thường xuyên duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH. Hỗ trợ NHCSXH tìm kiếm các nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay, nhất là các nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức quốc tế, nguồn vốn của các địa phương dành cho công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm…

Cùng với đó là hoàn thiện và tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp, phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong việc tham gia quản lý, hỗ trợ NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách; Gắn kết tín dụng chính sách với tín dụng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khi hết thời gian vay vốn ưu đãi có thể tiếp cận ngay với nguồn vốn tín dụng thương mại, giúp họ ổn định làm ăn và thoát nghèo bền vững.

”Qua nghiên cứu các tham luận của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và các hộ vay vốn... gửi về cho Ban Tổ chức, chúng tôi đã tổng hợp kiến nghị, đề xuất của 29 đơn vị, cá nhân và sẽ chuyển đến các cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Đối với những kiến nghị liên quan đến thẩm quyền giải quyết của NHNN và NHCSXH, tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng trong hệ thống xử lý và trả lời đơn vị, cá nhân có kiến nghị trong thời gian sớm nhất” – Thống đốc nhấn mạnh.

Để tiếp tục thực hiện có kết quả Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và các chương trình tín dụng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổng kết những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH 15 năm qua, Thống đốc Lê Minh Hưng kiến nghị:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần quan tâm cân đối, bố trí đủ nguồn lực để NHCSXH thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, tránh tình trạng chính sách ban hành ra nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện, làm kéo dài thời gian đưa chính sách vào cuộc sống. Quan tâm bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã phê duyệt cho NHCSXH.

Thứ hai, các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2020 đạt mức bình quân chung của cả nước. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư, bao tiêu sản phẩm, định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ tín dụng chính sách xã hội đạt hiệu quả cao hơn.

Thứ ba, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững…

Theo ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc NHCSXH, trong 15 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Đã có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gần 528 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; trên 112 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25% cuối năm 2015.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống NHCSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).

Nhân dịp này, NHCSXH đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước; 20 tập thể và 9 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Quang Cảnh (theo thoibaonganhang)