[In trang]
Tiết kiệm, chống lãng phí – Trách nhiệm của mỗi cá nhân
Thứ sáu, 30/06/2017 - 09:44
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang quyết liệt thực hiện Chương trình hành động của ngành ngân hàng về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí năm 2017 và giai đoạn 2016 – 2020.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang quyết liệt thực hiện Chương trình hành động của ngành ngân hàng về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí năm 2017 và giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) với vai trò là đầu mối tuyên truyền đến CNVC, NLĐ trong ngành Ngân hàng về chương trình hành động này. Phóng viên TBNH đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tân - Phó chủ tịch Thường trực CĐNHVN về chương trình này.

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó chủ tịch Thường trực CĐNHVN

P.v: Thưa ông, tại Hội nghị trực tuyến về phổ biến, quán triệt Chương trình hành động của ngành ngân hàng về thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, giai đoạn 2016 – 2020 do Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì mới đây đã nêu rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, vụ cục NHNN trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vậy vai trò của CĐNHVN được đặt ra như thế nào trong chương trình hành động này?

Ông Nguyễn Văn Tân: Tại Hội nghị trực tuyến ngày 9/5/2017 quán triệt chương trình hành động tiết kiệm chống lãng phí của ngành ngân hàng do PThống đốc Đào Minh Tú chủ trì và là Trưởng ban chỉ đạo thực hành tiết kiệm phòng chống lãng phí của ngành đã nêu rõ, công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp công đoàn trong ngành Ngân hàng cần được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ, bằng nhiều hình thức phù hợp với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, CNVCLĐ, từng thời điểm thích hợp và tình hình cụ thể; bám sát sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, ban chấp hành, ban thường vụ các cấp công đoàn; bảo đảm tính trung thực, khách quan, đúng quy định của Đảng về chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí.Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra cho CĐNHVN trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là phải tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết về công tác thực hành tiết kiệm.

Trước hết người lao động phải nắm bắt được các văn bản, tham mưu đề xuất xây dựng các thể chế tiết kiệm, chống lãng phí cho cấp lãnh đạo. Như cơ chế quản lý chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản, quản lý công vụ… Cùng với đó là tham mưu tiết giảm chi phí hội họp, hội thảo đi công tác tại địa phương phải triệt để tiết kiệm phù hợp với chỉ đạo chung của ngành và Chính phủ. Đơn cử như khi đi công tác trước kia phải 3 ngày: ngày đi, ngày về, ngày làm việc thì nay chúng ta có thể tiết kiệm bằng cách buổi chiều hết giờ làm thì đi làm việc xong thì về ngay như thế là đã có thể tiết kiệm được 1 ngày làm việc rồi. Tiết kiệm được chi phí ấy là đã tạo ra nguồn thu cho chính người lao động rồi.

 Hội nghị trực tuyến Chương trình hành động của ngành Ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và giai đoạn 2016 – 2020 (9/5/2017)

Bên cạnh đó, tiết kiệm phải gắn với cải cách hành chính, gắn với xử lý với công việc tránh phiền hà, lãng phí thời gian của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là lãng phí thời gian là lãng vô hình nhưng vô cùng tốn kém. Đơn cử, khi cơ sở có đề nghị, kiến nghị thì các cấp lãng đạo phải nhanh chóng xem xét, giải thích, giải quyết một cách nhanh chóng nhất. Đơn giản nếu cấp trên chậm 1 ngày thì cấp dưới có thể đã chậm cả tuần rồi. Do đó cải cách hành chính là yêu cầu cấp thiết, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc nhanh chóng nhất đấy chính là tiết kiệm. Để chống lãng phí thời gian thì phải bắt đầu từ những người đứng đầu. Đó là sự sâu sát của lãnh đạo các đơn vị khi giao nhiệm vụ cho nhân viên thì cũng phải thực hiện giám sát, kiểm tra nhân viên để thúc đẩy họ nhanh chóng thực hiện công việc được giao. Có thể thấy tiết kiệm thời gian nhỏ từ một đơn vị có thể kéo theo sự tiết kiệm trong toàn hệ thống đây là sự tiết kiệm vô giá nhất là trong thời điểm thị trường có nhiều biến động như hiện nay.

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể, người lao động luôn phải có thông tin, phối hợp tuyên truyền để đảo bảo gắn nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống tiết kiệm lãng phí với từng đơn vị.

P.v: Tại Công đoàn ngành Ngân hàng, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí được triển khai và cụ thể hoá như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tân: Ngoài sự chỉ đạo chung của Ban cán sự, Ban lãnh đạo NHNN Việt Nam thì còn có sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn và sự chỉ đạo chung của Chính phủ. Theo đó, CĐNHVN đã tiếp thu chỉ đạo và ban hành một loạt văn bản thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí trong công tác tài chính, tài sản và nội dung hoạt động theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn. Trước hết, CĐNHVN đã yêu cầu các cấp công đoàn nghiêm túc thực hiện và đặc biệt là thực hiện tin học hóa công tác tài chính trong toàn hệ thống. Sử dụng phần mềm thống nhất do Tổng Liên đoàn cung cấp. Khi vận dụng hệ thống này, cái được đầu tiên chính là thu đúng, thu đủ qua đó phần trích để lại cơ sở được nhiều hơn, tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn các cấp sôi động hợn. So với trước khi thực hiện tin học hóa thì nguồn lực đã tăng lên từ 10 – 12% để lại cho cơ sở.

Bên cạnh đó, được sự đồng ý của Ban bí thư TW và của Chính phủ, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn từ năm 2017 này, tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, chi phí hành chính phải tiết giảm 10% để dành sử dụng xây dựng các khu tiết chế cho công nhân. Khu tiết chế này bao gồm nhà ở cho công nhân, nhà trẻ mẫu giáo, vườn hoa, các công trình công cộng… nhà ở này có thể cho công nhân thuê, hoặc bán cho công nhân các khu công nghiệp. Trong năm 2017 này sẽ khởi công xây dựng 10 khu tiết chế cho công nhân và đến 2020 sẽ xây dựng 30 khu tiết chế và đến 2030 thì tất cả các khu công nghiệp đều có khu tiết chế. Thực hiện điều này, năm 2017 này ngành ngân hàng dự kiến sẽ đóng góp khoảng 15 – 16 tỷ đồng từ việc thực hành tiết kiệm này.

Đơn cử như tại CĐNHVN mỗi ngày chúng tôi nhận được cả chồng văn bản, giấy tờ nếu cứ theo cách cũ là phô tô, chuyển cho các phòng ban, các đồng chí trong ban lãnh đạo công đoàn thì đây là khối lượng giấy tờ không nhỏ. Thế nhưng để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bản thân tôi phải đọc và xem những văn bản ấy, nó thuộc lĩnh vực nào giải quyết, đồng chí nào phụ trách thì mới cho phô tô và chuyển thẳng đến đồng chí phụ trách để giải quyết. Những văn bản thuộc dạng thông báo, báo cáo… thì chuyển văn phòng để scan và chuyển lên mạng nội bộ để ai có nhu cầu đọc thì vào đọc để tham khảo trên mạng. Hành động này tuy nhỏ nhưng mỗi năm chúng tôi cũng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng từ tiết giảm giấy tờ kiểu này.

P.v: Với vai trò đại diện cho người lao động trong toàn ngành, CĐNHVN có chỉ đạo gì đến đại diện CĐNHVN tại các tỉnh để Chương trình hành động thực hành TK-CLP đạt hiệu quả?

Ông Nguyễn Văn Tân: CĐNHVN mong muốn người lao động phải chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước của NHNN… đối với đoàn viên người lao động làm ở khu vực nhà nước thì người lao động phải thực hành tiết kiệm đặc biệt là cải cách hành chính để giảm bớt những phiền hà đối với các tổ chức tín dụng đồng thời giải quyết công việc được nhanh gọn, hiệu quả để cho tổ chức tín dụng tiết kiệm được chi phí, thời gian tạo ra lợi ích trong kinh doanh đối với các ngân hàng thương mại.

Đối với đoàn viên người lao động ở khu vực các ngân hàng thương mại thì phải quán triệt thực hành tiết kiệm triệt để để doanh nghiệp tạo ra được lợi nhuận  cao nhất, hiệu quả kinh doanh tốt nhất  từ dịch vụ ngân hàng, dịch vụ cho vay, kinh doanh rồi các dịch vụ khác tạo nguồn thu. Bên cạnh đó là quản trị rủi ro hoạt động để tạo ra hiệu quả kinh doanh tốt nhất.Từ hoạt động đó tạo ra lợi nhuận, lợi ích cao hơn.Từ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ấy sẽ mang lại cho người lao động thu nhập cao hơn, phúc lợi cao hơn, tiền thưởng cao hơn… với người lao động trong ngành nhiều năm nay thì việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho chính người lao động. Và thực tế cho thấy thu nhập của người lao động trong ngành đều năm sau cao hơn năm trước.

P.v: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thanh Thủy (theo TBNH)