Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội (ASXH) nói chung, đặc biệt là công tác đền ơn đáp nghĩa và hoạt động xoá đói giảm nghèo luôn được ngành Ngân hàng quan tâm, thực hiện tốt. Có thể nói, ngành Ngân hàng là một trong những đơn vị luôn đi đầu về công tác này và đã có nhiều đóng góp tích cực trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Dấu ấn mà hoạt động ASXH của ngành Ngân hàng được hiện diện trên tất cả các mặt, tại tất cả các địa phương có khó khăn trong cả nước, từ vùng sâu, vùng xa, biên giới tới biển, đảo xa xôi của Tổ quốc. Và hoạt động này bao trùm mọi lĩnh vực như: Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo tại các xã nghèo, huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, mái ấm công đoàn; hỗ trợ thiết bị y tế, học đường; các công trình giao thông nông thôn,v.v…
Hàng năm, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động ASXH của ngành Ngân hàng có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nguồn này được huy động từ sự đóng góp, ủng hộ của cán bộ, đoàn viên, người lao động trong toàn hệ thống, theo sự phát động của công đoàn các cấp và một phần kinh phí do chuyên môn đóng góp, tài trợ.
Một số hoạt động ASXH tiêu biểu mà các đơn vị trong ngành Ngân hàng (do Công đoàn NHVN chủ trì phát động) đã đạt được trong những năm gần đây, điển hình như: Cuộc vận động “Ngân hàng với Trường Sa thân yêu” đã ủng hộ 50 tỷ đồng tài trợ xây Nhà văn hóa đa năng và các công trình phụ trợ khác trên đảo Núi Le, huyện đảo Trường Sa; ủng hộ xây dựng Tượng đài tưởng niệm các Chiến sỹ Gạc Ma, xây dựng bệnh xá tại đảo Song Tử Tây 5 tỷ đồng; cho Chương trình bò giống giúp đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc 15 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ bảo trợ trẻ em Công đoàn Việt Nam,… hàng chục tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà các Trung tâm nuôi dưỡng thương - bệnh binh; tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, người có công, phụng dưỡng, chăm nuôi Mẹ Việt Nam anh hùng; tặng quà, góp tết cho người nghèo,... trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác ASXH nói chung, các cấp công đoàn trong ngành Ngân hàng còn thường xuyên quan tâm làm tốt công tác thăm hỏi, trợ cấp, động viên, giúp đỡ kịp thời đối với đoàn viên, người lao động trong các cơ quan, đơn vị khi có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật hoặc gia đình gặp rủi ro, hoạn nạn,… thông qua việc tổ chức và hoạt động hiệu quả Quỹ Tình nghĩa ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn NHVN còn làm đầu mối vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị quyên góp ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, thể hiện rõ sự quan tâm gắn bó, tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia trong nội bộ cũng như trong cộng đồng xã hội.
Ngoài các hoạt động ASXH kể trên, để giáo dục truyền thống, niềm tự hào và nêu cao ý thức trách nhiệm, sự tri ân của thế hệ sau đối với các thế hệ cán bộ đi trước, Công đoàn NHVN đã vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ủng hộ kinh phí hàng tỷ đồng để tôn tạo giai đoạn 1 Khu di tích lịch sử của ngành Ngân hàng kết hợp làm ASXH tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa - Tuyên Quang; kinh phí xây dựng, tôn tạo Khu tưởng niệm cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (nguyên Tổng Giám đốc đầu tiên của ngành Ngân hàng) tại Thanh Miện - Hải Dương nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Ngân hàng (06/5/1951 - 06/5/2016),…
Để có được thành tích trên, trước hết là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối kết hợp, tạo điều kiện của chuyên môn các cấp và không thể không kể đến vai trò hết sức quan trọng của tổ chức công đoàn các cấp trong việc tổ chức vận động và triển khai có hiệu quả các chương trình ASXH theo chỉ đạo của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN và Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng cần biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, đạo lý uống nước nhớ nguồn của đoàn viên, CNVCLĐ ngành Ngân hàng đã tích cực, tự giác tham gia hưởng ứng, ủng hộ một phần thu nhập của bản thân cho các chương trình, hoạt động do công đoàn phát động. Có được nghĩa cử cao đẹp đó cũng là nhờ xuất phát từ tinh thần con dân nước Việt đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh gian khổ, với bao đau thương mất mát, sự kế thừa và phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Mặt khác, ngành Ngân hàng với bề dày truyền thống, luôn tiên phong trong công tác ASXH, nên mỗi cán bộ, đoàn viên, người lao động luôn giác ngộ và ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, đối với xã hội và sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ khi cần. Ý thức đó càng được phát huy và thể hiện rõ trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, vì dù đất nước đã hòa bình nhưng còn đó những hậu quả di chứng của chiến tranh để lại mà nhiều thập kỷ nữa, nhiều thế hệ sau này khó có thể khắc phục được, chính vì vậy hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, ngoài các hoạt động ASXH nói chung các cấp công đoàn và đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng lại tiếp tục có những đóng góp tích cực nhằm giúp đỡ đối với thương - bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam dioxin,…
Tôn tạo Khu di tích lịch sử của ngành Ngân hàng kết hợp làm ASXH tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa - Tuyên Quang
Phát huy truyền thống đã đạt được trong những năm qua, năm 2017 dưới sự chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, công tác ASXH của ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào một số hoạt động trọng tâm sau:
- Năm 2017 diễn ra kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ - 27/7, Công đoàn NHVN vừa có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn vận động đoàn viên, lao động tham gia ủng hộ kinh phí và tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên thương - bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở, tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh; hỗ trợ kinh phí mua phương tiện thiết yếu phục vụ sinh hoạt cho thương - bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam dioxin,…
- Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, hướng tới sự kiện chính trị quan trọng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng (06/5/1951 – 06/5/2021), được Ban Lãnh đạo NHNN tin tưởng giao trách nhiệm, Công đoàn NHVN trực tiếp làm đầu mối triển khai thực hiện giai đoạn 2 dự án mở rộng Khu di tích lịch sử của Ngành tại Sơn Dương - Tuyên Quang. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần huy động nguồn kinh phí lớn từ sự đóng góp của các tổ chức tín dụng và sự ủng hộ của cán bộ, đoàn viên, người lao động. Đây cũng là cơ hội để cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của mình với truyền thống vẻ vang và lịch sử phát triển của Ngành.
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1555/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” và Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT-TLĐ-NN&PTNT giữa Tổng Liên đoàn LĐVN và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về việc đẩy mạnh phong trào CNVCLĐ thi đua phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2010-2020.
- Tăng cường đẩy mạnh việc tuyên truyền và tổ chức vận động đóng góp ủng hộ các quỹ xã hội: Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo, Bảo trợ trẻ em các cấp và các hoạt động ASXH đột xuất khác theo kêu gọi của các tổ chức xã hội và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn và ngành Ngân hàng.
Với truyền thống và kết quả đạt được của công tác ASXH trong nhiều năm qua, Công đoàn NHVN tin tưởng rằng, năm 2017 hoạt động này của ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa, có những đóng góp tích cực, hiệu quả, góp phần hiện thực hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt
Nguyễn Vũ Bình - Phó Chủ tịch CĐNHVN