Đến hết 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 157 nghìn tỷ đồng với trên 6.784 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng 10% được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 140.928 tỷ đồng, tăng 12.813 tỷ đồng so với năm 2015, hoàn thành 100% kế hoạch.
Hoàn thành tăng trưởng trong khó khăn
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, lãi suất cho vay, tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; đời sống một bộ phận người dân ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn... Mặc dù hoạt động trong bối cảnh khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, sự chỉ đạo sát sao của HĐQT, Ban đại diện HĐQT các cấp, hệ thống NHCSXH đã nỗ lực để tổ chức, triển khai các nhiệm vụ kế hoạch được giao và đã đạt kết quả cao, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2016, NHCSXH được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 thêm 2%, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 tăng từ 8% lên 10%. Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn giải ngân theo kế hoạch và thanh toán các khoản nợ đến hạn, bên cạnh các nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp, NHCSXH đã tập trung huy động các nguồn vốn, như: nhận tiền gửi 2% từ các TCTD Nhà nước, phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, huy động vốn trên thị trường của các tổ chức, cá nhân... cùng với nguồn vốn thu nợ cho vay quay vòng đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời đảm bảo khả năng thanh toán của toàn hệ thống.
Đến ngày 31/12/2016, tổng nguồn vốn đạt trên 162 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15.900 tỷ đồng so với cuối năm 2015; trong đó tiền gửi tiết kiệm tại NHCSXH thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 5.436 tỷ đồng, tăng 1.250 tỷ đồng so với cuối năm 2015; tiền gửi tiết kiệm của cộng đồng dân cư tại Điểm giao dịch xã đạt 352 tỷ đồng sau 3 tháng triển khai thực hiện; Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 157 nghìn tỷ đồng với trên 6.784 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 140.928 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.
Nguồn vốn vay ưu đãi trong năm 2016 đã giúp trên 2.282 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển SXKD; góp phần giúp hơn 483 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 164,6 nghìn lao động, trong đó hơn 2,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 22 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm; xây dựng trên gần 1,4 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn; xây dựng hơn 18 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, trong đó có trên 5 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo các tỉnh miền Trung...
Giữ vững chất lượng
Cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách giúp người nghèo tăng cường khả năng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, việc nâng cao chất lượng tín dụng luôn được NHCSXH quan tâm, coi trọng.
NHCSXH thường xuyên làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH các tỉnh, thành phố và kiểm tra hoạt động giao dịch tại xã nhằm đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Đặc biệt đối với các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiên tai, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển, NHCSXH chỉ đạo các đơn vịphối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới và cho vay bổ sung để giúp người vay khôi phục SXKD, chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống. Theo đó, Chủ tịch HĐQT đã có Quyết định phê duyệt xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan 2 đợt năm 2016 với 40.607 món vay.
Nhìn lại năm 2016, chuyển biến rõ rệt nhất của NHCSXH là tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đưa Chỉ thị của Đảng đi sâu vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Đó là nguồn vốn tín dụng ưu đãi được quan tâm, tăng cường, tập trung về một đầu mối. Bốn Ngân hàng thương mại Nhà nước đã cùng chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, thông qua việc duy trì số dư tiền gửi 2% trên tổng nguồn vốn hoạt động, góp phần tạo lập nguồn vốn tín dụngưu đãi. Các tỉnh, thành phố trong cả nước đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho vay sang NHCSXH. Tính riêng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn từ khi có Chỉ thị đến nay là 2.875 tỷ đồng (tăng 76% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị riêng trong năm 2016, tăng 1.750 tỷ đồng (+35,8%) so với năm 2015, đưa tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay đạt 6.645 tỷ đồng.
Sau 02 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị đã tạo được sự đồng thuận và quan tâm vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với tín dụng chính sách. Đến nay, đã có 11.099/11.159 Chủ tịch UBND cấp xã trên toàn quốc (chiếm tỷ lệ 99,4%) tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, việc này làm cho công tác thực thi, giám sát công tác tín dụng chính sách đạt hiệu quả rõ rệt trong chương trình giảm nghèo, giải quyêt việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị tại địa bàn.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tăng cường sự quan tâm và chỉ đạo cấp cơ sở trong việc phối hợp tốt với NHCSXH thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tại những địa bàn còn chưa tốt, nhất là việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả. Hiệu ứng các chương trình ưu đãi ngày càng được phát huy, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,75% tổng dư nợ, giảm 0,03% so với năm 2015.
Nỗ lực cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững
Bước sang năm 2017, NHCSXH tiếp bám sát Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao để chủ động khai thác, huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách, đảm bảo khả năng thanh toán trong toàn hệ thống; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững. Vốn tín dụng chính sách tiếp tục ưu tiên cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, các tỉnh có dư nợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo, vùng biên giới và hải đảo, cho vay khắc phục thiên tai, cho vay các chương trình tín dụng mới...
Để thực hiện thành công định hướng hoạt động nêu trên, năm 2017, hệ thống NHCSXH tiếp tục tham mưu cho các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, trọng tâm tham mưu cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách và nguồn vốn ủy thác tại địa phương cho NHCSXH; đồng thời tích cực huy động các nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn giải ngân của các chương trình tín dụng chính sách và đảm bảo khả năng thanh toán trong toàn hệ thống, chú trọng công tác huy động vốn tại Điểm giao dịch xã.
Thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng tới công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Thực hiện chương trình kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề và phúc tra chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố theo kế hoạch. Tăng cường công tác giám sát từ xa hoạt động tại NHCSXH cơ sở nhằm kịp thời phát hiện sai sót, tồn tại để có biện pháp xử lý. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo tính chủ động và bền vững trong hoạt động NHCSXH, phù hợp với Chiến lược phát triển. Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn... góp phần vào sự thành công chung của hệ thống.
NHCSXH