Sáng ngày 11/5/2016, Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo các ngân hàng Châu Á lần thứ 17 (The Asian Banker Summit 2016) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và The Asian Banker đồng tổ chức chính thức được diễn ra tại Hà Nội. Buổi lễ do ông Emmanuel Daniel - Chủ tịch Hiệp hội các nhà Lãnh đạo ngân hàng Châu Á và ông Gordian Gaeta - Trưởng Ban Nguồn lực quốc tế, Hiệp hội các nhà Lãnh đạo ngân hàng Châu Á đồng chủ tọa.
Tham dự buổi Lễ có ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ, nước CHXHCN Việt Nam; Ông Lê Minh Hưng – Thống đốc NHNN; Ông Alain Chevalier - Chủ tịch, Hội đồng Tư vấn Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo ngân hàng Châu Á; Ông Barney Frank - Cựu Chủ tịch Ủy ban các dịch vụ tài chính Nhà trắng, Quốc Hội Mỹ cùng hơn 1.000 đại biểu là Lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại (NHTM) đến từ hơn 30 quốc gia khu vực Châu Á và các nước có nền kinh tế phát triển như: Standard Chartered, ANZ, HSBC... Nước chủ nhà Việt Nam có sự tham dự của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các NHTM của Việt Nam, các ngân hàng quốc tế và tổ chức tài chính…
Việc lựa chọn Việt Nam lần thứ 2 đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo các ngân hàng Châu Á - một sự kiện lớn và uy tín hàng đầu của ngành Ngân hàng khu vực Châu Á khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn nhiều biến động và phục hồi chậm trong thời gian qua. Hội nghị là cơ hội để cộng đồng quốc tế hiểu thêm về hệ thống ngân hàng của Việt Nam và giúp các ngân hàng Việt Nam phát triển các mối quan hệ quốc tế, thúc đẩy cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy quá trình thu hút vốn đầu tư, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện đại cho ngành tài chính - ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và ủng hộ Chủ đề của Hội nghị lần này là “Các đột phá mới” - phản ánh tầm nhìn dài hạn với quyết tâm thực hiện đổi mới sáng tạo, hướng tới một cộng đồng tài chính - ngân hàng năng động, hiệu quả, vượt qua thách thức để cùng phát triển. Theo Thủ tướng, nội dung thảo luận của Chủ đề này rất phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động và thách thức như: Đà phục hồi kinh tế toàn cầu không đồng đều và thấp hơn dự báo; Tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á có xu hướng chậm lại; Diễn biến phức tạp của thiên tai, thảm họa và biến đổi khí hậu gây tác động nặng nề trong khu vực. Đồng thời, với việc hàng loạt hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa được thành lập cũng đặt ra thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia. Do vậy, đổi mới sáng tạo cần được coi là động lực cho tăng trưởng, vượt qua thách thức, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
“Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi đường lối đổi mới đồng bộ và toàn diện trên mọi mặt của nền kinh tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó, ngành ngân hàng Việt Nam là một trong những ngành luôn tiên phong trong công cuộc đổi mói, thực hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục đổi mới toàn diện nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, từng bước tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát huy mạnh mẽ dân chủ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, từ nay đến năm 2020 sẽ mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của G-20.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực hiện cải cách toàn diện nhằm phát huy tối đa vai trò của mình cũng như đáp ứng sự phát triển năng động của một nền kinh tế đang đổi mới mạnh mẽ. Sau 05 năm cải cách, bức tranh toàn cảnh của toàn hệ thống đã được đổi thay tích cực, đóng góp quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Thống đốc Lê Minh Hưng phat biểu tại buổi Lễ
Thay mặt NHNN, Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá cao sự ủng hộ của cộng đồng tài chính ngân hàng quốc tế đối với Việt Nam nói chung và toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt nam nói riêng trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: NHNN xác định cải cách ngân hàng là một tất yếu khách quan và nhu cầu nội tại của hệ thống, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để chủ động đối phó với những khó khăn, biến các thách thức thành cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.
Song song với quá trình cải cách hệ thống ngân hàng là việc Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập với nền kinh tế khu vực và quốc tế. Hai dấu mốc quan trọng và gần đây nhất của tiến trình hội nhập ngành Ngân hàng là việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập và kết thúc đàm phán, ký kết một loạt các Hiệp định thương mại tự do quan trọng, trong đó nổi bật là Hiệp định TPP. Quá trình hội nhập quốc tế vừa là cơ hội vừa là áp lực và cả động lực để các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tài chính trong nước không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Do vậy, ngành Ngân hàng đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ thể chế, nâng cao năng lực xây dựng và hoạch định chính sách, thanh tra giám sát và quản lý hệ thống ngân hàng, tăng cường minh bạch hóa thông tin, năng lực thể chế, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế cao.
Thống đốc khẳng định, thời gian tới, ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường Việt Nam. Đồng thời, Thống đốc bày tỏ mong muốn trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ sắp tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước.
Ông Emmanuel Daniel - Chủ tịch Hiệp hội các nhà Lãnh đạo ngân hàng Châu Á phát biểu tại Hội nghị
Trong khuôn khổ Hội nghị, 06 Hội thảo chuyên đề phản ánh sự đa dạng của ngành tài chính năng động sẽ là cơ hội để các nhà Lãnh đạo ngân hàng thảo luận, chia sẻ, phân tích, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề quan trọng của ngành Ngân hàng hiện nay như: Hội thảo về những thách thức trong quản lý ngân hàng và các nhà quản lý ngân hàng; Hội thảo giao dịch ngân hàng quốc tế; Hội nghị của các nhà hoạch định về công nghệ ngân hàng; Hội thảo thách thức chuỗi cung cấp; Cơ sở hạ tầng các thị trường tài chính; Trường đào tạo các nhà lãnh đạo về công nghệ.
Theo sbv.gov.vn