[In trang]
Thời cơ và thách thức đối với tổ chức Công đoàn khi Việt Nam tham gia TPP
Thứ tư, 23/03/2016 - 14:30
Ngày 4/2/2016, Việt Nam và 11 quốc gia thành viên đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Việc tham gia TPP đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam, trong đó có tổ chức Công đoàn.

Ngày 4/2/2016, Việt Nam và 11 quốc gia thành viên đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. TPP sẽ tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với 790 triệu dân, chiếm 40% GDP của thế giới và 1/3 thương mại toàn cầu. TPP cũng sẽ góp phần củng cố và mở rộng các mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế TPP, tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu của các nước thành viên. Việc tham gia TPP đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam, trong đó có tổ chức Công đoàn.

Theo dòng sự kiện này, PGS. TS. Vũ Quang Thọ - Uỷ viên BCH TLĐ, Viện trưởng Viện CN&CĐ đã có bài viết riêng cho website CĐNHVN. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu.

*

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không đưa ra các tiêu chuẩn mới về lao động mà là các tiêu chuẩn lao động quốc tế đã được ILO thừa nhận. Nội dung chính liên quan đến các Chương, điều, khoản về lao động trong Hiệp định TPP, có thể phân thành 05 nhóm chính. Theo đó, TPP quy định: Mỗi Bên sẽ thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định, cũng như trong thực hiện các đạo luật và quy định đó ở nước mình, những quyền cốt lõi về lao động sau: (1) Tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; (2) Chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; (3) Loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em và, nhằm mục đích của Hiệp định này, cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; (4) Chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp; (5) Đảm bảo điều kiện làm việc có thể chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Theo các cam kết này, bao hàm cả "Kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động", được dự báo sẽ có những tác động mạnh mẽ đến lao động - công đoàn ở Việt Nam. Sự tác động này theo hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực, vừa tạo ra thời cơ nhưng cũng gồm cả thách thức, nhất là có thể xuất hiện các tổ chức công đoàn ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; vấn đề đối thoại xã hội; thương lượng tập thể; đình công...

Nghiên cứu bước đầu của Viện Công nhân và Công đoàn cho phép dự báo một số nét về thời cơ và thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam khi gia nhập TPP là:

1. Môi trường hoạt động công đoàn có nhiều biến đổi: Quan hệ lao động và đình công có thể diễn biến phức tạp hơn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển thị trường lao động và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập TPP.

Việc Việt Nam gia nhập TPP và thực hiện các cam kết quốc tế, sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp làm tăng thêm sự thiếu ổn định của quan hệ lao động trong thời gian trước mắt. Mâu thuẫn giữa bên sử dụng và bên cung ứng sức lao động, và tranh chấp trong quan hệ lao động có xu hướng tăng cả về quy mô và tính phức tạp, đặc biệt là tranh chấp lao động tập thể có thể dễ dẫn tới ngừng việc tập thể và đình công … của người lao động. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện thêm các yếu tố gia tăng tính phức tạp trong tranh chấp lao động, đình công, lãn công, ngừng việc tạm thời của người lao động... Theo các cam kết trong TPP, có thể việc tổ chức đình công cũng như phạm vi đình công sẽ mở rộng đáng kể. Ví dụ như: tổ chức công đoàn ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng được quyền tổ chức, lãnh đạo đình công.

2. Việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở có thể đặt ra những cản trở đối với Công đoàn Việt Nam.

Việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn hơn: sự biến động của thị trường lao động, tính bấp bênh của việc làm, sự đa dạng, phức tạp của các loại hình việc làm, sự dịch chuyển của lao động di cư, nhóm lao động rời khỏi thị trường lao động chính thức có thể làm gia tăng nhóm lao động phi chính thức và ngược lại… Người lao động và quan hệ lao động trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng chủ yếu. Các hình thức sử dụng lao động cũng ngày càng phát triển đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu của thị trường, trong đó, đáng chú ý là các hình thức mới của quan hệ việc làm như lao động cho thuê lại, lao động bán thời gian, lao động gia công tại nhà... Những hình thức mới của quan hệ việc làm cũng sẽ có tác động tới suy nghĩ, hành vi ứng xử của công nhân lao động, do đó tác động đến hệ thống quan hệ lao động nói chung của Việt Nam.

Ngay trong giai đoạn vừa qua, chỉ tiêu phát triển đoàn viên năm 2013 - 2015 đạt kết quả chưa cao. Theo số liệu của Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, cả nước có 121,6 nghìn công đoàn cơ sở với 8,95 triệu đoàn viên. Tuy nhiên, so với mức tăng của việc làm và doanh nghiệp hàng năm thì độ bao phủ của công đoàn xuất hiện một khoảng trống khá lớn.

3. Sự hình thành của tổ chức công đoàn ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ hoạt động song song và cạnh tranh trực tiếp với hoạt động của các cấp Công đoàn Việt Nam là điều có thể dự báo trước.

Bằng việc ký kết và thực thi Hiệp định TPP, việc xuất hiện các tổ chức công đoàn ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sẽ là một tất yếu, là thách thức đối với công đoàn Việt Nam, có thể dự báo được. Chúng ta cũng cam kết: trước khi Hiệp định TPP có hiệu lực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ thực hiện các cải cách về luật pháp và bộ máy tổ chức, nhằm đảm bảo quyền của người lao động được tự do thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động theo lựa chọn của mình (mục II. Kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cam kết: Trong thời gian không quá 05 năm kể từ khi Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa Kỳ: Việt Nam sẽ quy định trong luật pháp và thực tiễn rằng, tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở, tùy theo lựa chọn của họ, có thể thành lập hoặc gia nhập tổ chức của người lao động liên doanh nghiệp và ở các cấp trên doanh nghiệp, bao gồm cấp ngành và cấp vùng, phù hợp với các quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO và các thủ tục trong nước mà không mâu thuẫn với các quyền lao động đó.

Việt Nam cũng bảo đảm tổ chức của người lao động được tự chủ trong việc quản lý các vấn đề của tổ chức đó (II.B Kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và quan hệ lao động).

Khi TPP được thực thi đầy đủ, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn biến động phức tạp. Quá trình dẫn tới sự thừa nhận của các tổ chức công đoàn khác sẽ làm cho nội bộ giai cấp công nhân có thể bị chia rẽ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức trong việc giành được sự thừa nhận của người lao động. Hoạt động Công đoàn Việt Nam sẽ phải đổi mới để đáp ứng được ngày càng nhiều hơn vào nhu cầu thiết thân của người lao động.

Vấn đề đặt ra là, việc cho phép các công đoàn cơ sở được thành lập và các công đoàn cơ sở này được phép liên kết ngang với nhau (mặc dù theo lộ trình 5 năm sau khi TPP có hiệu lực) là mô hình và hoạt động mới của công đoàn ở nước ta. Việc chúng ta cần lường trước hiện nay là có thể có những cá nhân, thế lực thiếu thiện chí lợi dụng quy định này để thực hiện các hoạt động tập thể từ nhỏ đến lớn, từng bước một, từ đó gây ra những hệ lụy về chính trị - an ninh - xã hội, trong khi những quy định lại quá lỏng lẻo hoặc bộ máy quản lý nhà nước thiếu hiệu quả.

Bên cạnh đó, quy định về các cuộc đình công hưởng ứng, ủng hộ lẫn nhau, đình công ngoài khuôn khổ doanh nghiệp (mà hiện nay chúng ta chưa cho phép) khi được thực thi, có thể gây hậu quả tiêu cực như: đình trệ sản xuất ở nhiều doanh nghiệp, thậm chí là nhiều khu công nghiệp, nhiều địa phương, cũng là những khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Cũng như các hệ quả có thể hoặc đã từng xảy ra ở các nước khác, sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến sản xuất trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, dưới góc độ người lao động, cũng có thể có những ích lợi nhất định: cảnh báo giới chủ cần quan tâm và bảo đảm quyền lợi của người lao động hơn; yêu cầu các Nhà nước cần thận trọng và lắng nghe tâm tư, tiếng nói của người lao động hơn, cũng như quan tâm bảo đảm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động hơn.

4. Một số khó khăn và thách thức khác đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam chỉ có một tổ chức công đoàn là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tổ chức công đoàn Việt Nam được xác định có vị thế là tổ chức chính trị - xã hội và là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, được giao thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ, bao gồm cả những nhiệm vụ của tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động và những nhiệm vụ chính trị, xã hội - vốn không phải là chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đại diện người lao động. Đặc điểm trên đã và đang mang lại nhiều lợi thế cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, song đồng thời cũng làm cho tổ chức này dễ mắc phải căn bệnh tự mãn, chủ quan, độc đoán, thiếu “Tấm gương” để soi; gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc trở thành tổ chức đại diện hiệu quả của người lao động trong quan hệ lao động.

Lợi thế chủ yếu nhất của hệ thống công đoàn hiện tại là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ về chính trị và hành chính, bao gồm cả những nguồn lực, từ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như sự ủng hộ của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị từ trung ương, đến cơ sở. Sự ủng hộ này được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, đặc biệt quan trọng là luật pháp và chính sách, mà đạo luật cao nhất là Hiến pháp nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam..

Sự ủng hộ của xã hội, dư luận, hệ thống chính trị và về tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính trị, quyền lợi kinh tế - văn  hoá - xã hội của người lao động mang lại lợi thế rất lớn đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi giương cao ngọn cờ bảo vệ và thúc đẩy quyền lợi của người lao động trong các diễn đàn ở tất cả các cấp khác nhau, từ trung ương đến địa phương, các bộ, ngành...

Bên cạnh lợi thế lớn và đặc biệt quan trọng nêu trên thì hệ thống hiện tại cũng mang đến nhiều khó khăn, thách thức:

- Cùng với sự tạo điều kiện về các nguồn lực vật chất thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được kỳ vọng và được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ mà thông thường một tổ chức đại diện người lao động thuần túy không phải làm. Trên thực tế, nhiều cấp công đoàn phải dành phần lớn thời gian và nguồn lực cho các công việc nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội khác, mà thông thường ít liên quan đến chức năng của công đoàn. Điều này làm cho nguồn lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bị phân tán, sức mạnh và hiệu lực tham gia của nó bị suy giảm.

- Cũng vì những đặc điểm nêu trên, quá trình đổi mới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để trở thành tổ chức đại diện, bảo vệ và thúc đẩy cho quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động, thông qua thương lượng tập thể và đối thoại xã hội, trở nên khó khăn hơn.

Đứng trước đòi hỏi của tình hình mới, xuất hiện cả thời cơ, thách thức cho Tổng LĐLĐVN, cần phải tự nâng cao năng lực và phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền lợi của người lao động để tiếp tục là chỗ dựa tin cậy, thu hút đoàn viên và người lao động, trở thành tổ chức thực sự của người lao động./.