[In trang]
Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động thông qua hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn
Thứ sáu, 29/01/2016 - 10:52
Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) đã đi vào hoạt động được gần 2 năm, góp phần thiết thực nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, website CĐNHVN đã có buổi trao đổi cụ thể với đ/c Nguyễn Vũ Bình – Phó Chủ tịch CĐNHVN về hoạt động này.

Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) đã đi vào hoạt động được gần 2 năm, góp phần thiết thực nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, website CĐNHVN đã có buổi trao đổi cụ thể với đ/c Nguyễn Vũ Bình – Phó Chủ tịch CĐNHVN về hoạt động này.

Đ/c Nguyễn Vũ Bình – Phó Chủ tịch CĐNHVN

PV: Được biết CĐNHVN đã và đang chỉ đạo các cấp công đoàn thành lập tổ chức tư vấn pháp luật, xin đ/c cho biết sự cần thiết phải thành lập tổ chức tư vấn pháp luật của công đoàn?

Đ/c Nguyễn Vũ Bình:Trong những năm gần đây, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những khó khăn, suy thoái, hiệu quả hoạt động thực tế của một số loại hình doanh nghiệp chưa cao. Đảng, Nhà nước ta đã quyết liệt thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, sắp xếp lại doanh nghiệp trên cơ sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Từ đó dẫn đến sự thay đổi, biến động về cơ cấu, thành phần và sự dịch chuyển của một bộ phận người lao động; hình thành nên các quan hệ lao động mới, đan xen, phức tạp hơn, dẫn đến tranh chấp lao động, các cuộc đình công gia tăng. Trong đó người lao động chịu thua thiệt do ở vào thế yếu và còn có sự hạn chế về hiểu biết pháp luật.

Với đặc thù và điều kiện của ngành Ngân hàng, đa phần người lao động có trình độ cao, được làm việc trong môi trường khá lý tưởng, có thu nhập tương đối so với các ngành nghề khác và các quyền lợi của người lao động về các chế độ, chính sách luôn được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Nên nhìn chung mối quan hệ lao động luôn giữ được ổn định, hài hòa. Từ năm 2011 đến nay, ngành Ngân hàng chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thông các tổ chức tín dụng. Trong quá trình tái cơ cấu, nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện hợp nhất, sáp nhập, dẫn tới một số ngân hàng đã bị giải thể, mua lại bởi ngân hàng khác, số doanh nghiệp ngân hàng giảm mạnh cùng với đó là sự xuất hiện và phát triển của nhiều ngân hàng nước ngoài đã tạo nên sự biến động, dịch chuyển lao động, thậm chí có lao động bị mất việc làm và phát sinh những tranh chấp về lao động…

Trước thực tế đó, người lao động rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt của các cấp công đoàn, đặc biệt là về công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Mặt khác, trong những năm qua, cùng với việc ban hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và nhiều luật mới điều chỉnh trên nhiều lĩnh vực, Quốc hội đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các luật mới cho đồng bộ và đáp ứng sự đòi hỏi, các điều kiện cần thiết, bắt buộc khi hội nhập thế giới; đồng thời bổ sung, sửa đổi các luật đã ban hành trước đây cho phù hợp với tình hình mới, trong đó có các luật liên quan đến tổ chức công đoàn và người lao động như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế năm 2014,…

Với khối lượng lớn các luật đã sửa đổi, ban hành gần đây, mặc dù hầu hết người lao động ngành Ngân hàng có trình độ cao, có kiến thức tin học, được trang bị phương tiện, máy vi tính để làm việc, nên có thể truy cập thường xuyên, cập nhật kịp thời mọi diễn biến mới nhất. Song trên thực tế, trong điều kiện áp lực cao của công việc, gia đình, xã hội,… người lao động khó có điều kiện về thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu sâu về luật. Và để các văn bản luật được thực hiện và sớm đi vào cuộc sống, Nhà nước còn phải xây dựng và ban hành nhiều văn bản dưới luật... đòi hỏi người lao động phải có kiến thức chuyên sâu và am hiểu về luật. Vì vậy khi có vấn đề nảy sinh liên quan tới pháp luật, người lao động rất cần được tư vấn, hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển ngày càng tăng cả về quy mô, số lượng và sự đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp, quan hệ lao động cũng ngày càng phức tạp, đa dạng dễ phát sinh những mâu thuẫn về quyền, lợi ích dẫn đến tranh chấp lao động. Quá trình thực hiện các hợp đồng lao động, không chỉ người lao động mà ngay cả người sử dụng lao động cũng rất cần được tư vấn, hướng dẫn về pháp luật và nhu cầu đó ngày càng lớn và trở nên cấp thiết. Những phân tích trên đã phần nào cho thấy, sự cần thiết phải thành lập tổ chức tư vấn pháp luật công đoàn.

Ra mắt Tổ tư vấn pháp luật CĐNHVN

PV: Xin đ/c cho biết đối tượng, nội dung, hình thức, phương pháp và cách thức hoạt động tư vấn pháp luật của CĐNHVN?

Đ/c Nguyễn Vũ Bình: Theo quy định, đối tượng tư vấn pháp luật của công đoàn là đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức công đoàn trong ngành Ngân hàng và các đối tượng khác có nhu cầu.

Về nội dung tư vấn pháp luật, tập trung chủ yếu vào pháp luật lao động và pháp luật công đoàn, các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn.

Với các hình thức, phương pháp tư vấn cụ thể sau: tư vấn trực tiếp; tư vấn bằng văn bản; qua điện thoại; qua hộp thư điện tử; qua hoạt động trang thông tin điện tử CĐNHVN; các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức, phương pháp khác… Ngoài ra, mạng lưới tư vấn pháp luật công đoàn các cấp còn có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến để đoàn viên, người lao động nắm rõ và nghiêm túc chấp hành các quy chế, quy định của pháp luật.

Đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức công đoàn trong ngành Ngân hàng được tư vấn miễn phí các nội dung nêu trên.

PV: Xin đ/c cho biết hệ thống tư vấn pháp luật của CĐNHVN hiện nay, kết quả hoạt động và định hướng phát triển những năm tiếp theo?

Đ/c Nguyễn Vũ Bình: Tháng 3/2014, Tổ Tư vấn pháp luật CĐNHVN chính thức được thành lập. Đến tháng 3/2015, căn cứ chủ trương, định hướng chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN và kết quả sau một năm hoạt động của Tổ Tư vấn, đồng thời xét thấy đã hội tụ đủ các điều kiện theo quy định để thành lập Văn phòng Tư vấn pháp luật trên cơ sở nâng cấp Tổ Tư vấn, Văn phòng Tư vấn pháp luật đã ra mắt và đi vào hoạt động. Đến nay Văn phòng đã tư vấn pháp luật trực tiếp, gián tiếp cho gần 100 lượt cá nhân, đơn vị về những nội dung liên quan đến: xử lý kỷ luật lao động; giải quyết chế độ, quyền lợi của người lao động khi thôi việc hoặc điều chuyển công tác; hợp đồng lao động; xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể; phương án giải quyết, sắp xếp lại lao động khi thực hiện tái cơ cấu,… đối tượng chủ yếu được tư vấn là các cá nhân, đơn vị thuộc các ngân hàng nước ngoài – nơi chưa có CĐCS.

Với kết quả đạt được trên đây cùng với chủ trương, định hướng, mục tiêu kế hoạch đã đề ra, vừa qua Ban Thường vụ CĐNHVN đã có văn bản chỉ đạo các công đoàn cấp trên cơ sở thuộc CĐNHVN khẩn trương xúc tiến việc thành lập Tổ Tư vấn pháp luật công đoàn và xây dựng tủ sách pháp luật. Riêng đối với cấp CĐCS, cần cử cán bộ am hiểu pháp luật làm tư vấn viên, có sự hướng dẫn, trợ giúp về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Tư vấn pháp luật CĐNHVN. Và khi hệ thống tổ chức tư vấn pháp luật được thành lập và hoạt động hiệu quả ở các cấp công đoàn sẽ góp phần hiện thực hoá mục tiêu “Nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động”, qua đó khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đ/c!

PV