[In trang]
Công đoàn BIDV phối hợp tổ chức đại lễ khánh hạ chùa Hoằng Phúc, Quảng Bình
Thứ hai, 18/01/2016 - 08:38
Ngày 16/1/2016, tại Quảng Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình và Công đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Đại lễ Khánh hạ và đón nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia cho chùa Hoằng Phúc, ở xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 16/1/2016, tại Quảng Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình và Công đoàn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Đại lễ Khánh hạ và đón nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia cho chùa Hoằng Phúc, ở xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Chùa Hoằng Phúc (còn có tên là chùa Kính Thiên, chùa Quan) có lịch sử hơn 700 năm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở miền Trung.

Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho nhân dân, lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.

Bà Lê Thị Kim Khuyên – Chủ tịch Công đoàn BIDV trao chìa khóa tượng trưng cho nhà chùa

Trải qua thời gian, chùa đã bị hư hại, bị sụp đổ trong cơn bão số 12 năm 1985. Trước đây, ngôi chùa từng là nơi nuôi dưỡng, che giấu cán bộ hoạt động cách mạng... Năm 2010, chùa Hoằng Phúc đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tháng 11/2014, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Bình, công đoàn BIDV đã vận động cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống hỗ trợ kinh phí; Đồng thời, làm đầu mối kêu gọi các tập thể, cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí xây dựng chùa Hoằng Phúc với tổng số tiền khoảng hơn 55 tỷ đồng.

Công trình được quy hoạch với toàn bộ khuôn viên di tích theo đúng không gian, bố cục và kiến trúc chùa Việt truyền thống, gồm Tam quan ngoại; Tam quan nội; Tháp phật; Tam bảo chùa; nhà thờ tổ; tả hữu hành lang; am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác...

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, Khu di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sau khi được phục dựng, tôn tạo sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời, nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các phật tử xa gần nói riêng, góp phần phát triển ngành du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Bình nói chung.

Nhân dịp này, Công đoàn BIDV cũng đã trao 300 triệu đồng hỗ trợ huyện Lệ Thủy và nhà Chùa tổ chức Lễ hội đầu năm mới. Trao 715 suất quà tết cho xã Mỹ Thủy, trị giá 214,5 triệu đồng; Trao tặng đồng bào nghèo tỉnh Quảng Bình 1.285 suất quà tết, trị giá hơn 385 triệu đồng; Ngoài ra, BIDV còn trao tặng tỉnh Quảng Bình 1 xe cứu thương trị giá 1,2 tỷ đồng.

Phát biểu tại đại lễ, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thay mặt lãnh đạo tỉnh, nhân dân tỉnh Quảng Bình cùng các tín đồ, tăng ni, phật tử gửi lời cám ơn sâu sắc đến nhà tài trợ chính BIDV đối với công trình phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc. Đồng thời, bày tỏ mong muốn chính quyền và nhân dân huyện Lệ Thủy tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc mà ông cha đã để lại.

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức cung nghinh xá lợi Phật tổ từ Giáo hội Phật giáo Myanmar về chùa Hoằng Phúc. Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Myanmar, cùng hàng ngàn tăng ni, phật tử đã tham dự. Xá lợi được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng là một viên xá lợi xương của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni được rước từ chùa Shwendagon (Chùa Vàng), TP. Yangon, ngôi chùa lớn và thiêng liêng nhất đất nước Myanmar.

Nghi Lộc (theo thoibaonganhang)