[In trang]
Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo tại Tây Bắc
Thứ sáu, 11/12/2015 - 09:48
Vùng Tây Bắc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên về đầu tư, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Các địa phương trong vùng Tây Bắc đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nhận xét tại hội nghị “Bàn biện pháp giảm nghèo nhanh và bền vững 6 tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc” ngày 10/12/2015 là có nhiều nỗ lực và đạt được thành tích giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Trong kết quả giảm nghèo của Tây Bắc, phải kể đến những đóng góp tích cực của Ng

Vùng Tây Bắc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên về đầu tư, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Các địa phương trong vùng Tây Bắc đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nhận xét tại hội nghị “Bàn biện pháp giảm nghèo nhanh và bền vững 6 tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc” ngày 10/12/2015 là có nhiều nỗ lực và đạt được thành tích giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Trong kết quả giảm nghèo của Tây Bắc, phải kể đến những đóng góp tích cực của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).

 Từ năm 2009 đến nay, doanh số cho vay đối với đồng bào nghèo và các đối tượng chính sách vùng Tây Bắc của NHCSXH đạt 50.658 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 31.905 tỷ đồng. Đến 30/11/2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt 29.286 tỷ đồng, với 1.227 nghìn hộ còn dư nợ, trong đó hộ vay vốn là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 68%; chiếm 20,8% tổng dư nợ toàn quốc, bình quân mỗi năm tăng trưởng gần 15%, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc (toàn quốc 13,5%). Nợ quá hạn cũng được cải thiện đáng kể, đầu năm 2009, nợ quá hạn chiếm 1,15% tổng dư nợ, đến nay nợ quá hạn của các chi nhánh trong vùng giảm còn 0,31% tổng dư nợ.

Riêng tại 06 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20% là Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, NHCSXH luôn ưu tiên tập trung nguồn vốn để đầu tư cho vay hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc khó khăn và các đối tượng chính sách xã hội khác. Dư nợ tại các tỉnh này đến 30/11/2015 đạt 11.272 tỷ đồng, chiếm tới xấp xỉ 40% tổng dư nợ tín dụng chính sách trong cả Vùng, với 480 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, dư nợ bình quân hộ nghèo đạt 30 triệu đồng/hộ vay.

Có được những thành tích trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các cấp ủy, chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể để tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam, sự cố gắng, nỗ lực của hệ thống NHCSXH, đặc biệt 14 chi nhánh cấp tỉnh vùng Tây Bắc, với 157 phòng giao dịch cấp huyện, trong đó có 45 Phòng giao dịch thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; và màng lưới 2.528 điểm giao dịch xã và 38.320 Tổ tiết kiệm và vay vốn phục vụ bà con nhanh chóng, hiệu quả.

Có thể nói tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần ngăn chặn tệ tín dụng đen ở nông thôn, đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại các địa phương, xây dựng tình đoàn kết, trách nhiệm, gắn bó trong cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

NHCSXH