Ngày 01/10/2015, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) chính thức có hiệu lực.
Sau khi Quyết định có hiệu lực thi hành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc bình xét, lập danh sách số hộ nghèo được hỗ trợ theo quy định; đồng thời lập và phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn.
Từ năm 2016 - 2020,hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định và có nhu cầu vay vốn, sẽ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất cho vay 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.
Đối tượng được hỗ trợ của chương trình bao gồm hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm 01/10/2015 và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến 01/10/2015 tối thiểu 5 năm, đang cư trú tại khu vực nông thôn hoặc đang cư trú tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc trực thuộc phường, thị trấn hoặc xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhưng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm ngư nghiệp. Ngoài ra, các hộ phải đáp ứng 3 điều kiện:
1. Chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở.
2. Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội khác.
3. Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác thì phải thuộc các đối tượng sau: Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra như: Bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại. Đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 8 năm trở lên tính đến 01/10/2015 nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ.
Đối tượng của chương trình được thực hiện hỗ trợ ưu tiên theo thứ tự: Hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật); hộ gia đình là đồng bào DTTS; hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn; hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; hộ gia đình đang cư trú tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; các hộ gia đình còn lại.
***
Theo báo cáo, kết quả thực hiện Chương trình 167 giai đoạn 1 đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ, trong đó có 224 nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình là 12.653 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 4.254 tỷ đồng, chiếm 33,6%; vốn vay từ NHCSXH là 3.584 tỷ đồng, chiếm 28,3%; vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm 4.092 tỷ đồng, chiếm 32,4%; vốn ngân sách địa phương 723 tỷ đồng, chiếm 5,7%. Hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định.
NHCSXH