Thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” đã trở thành một trong những phong trào sôi nổi nhất của ngành Ngân hàng nói chung và NHNN Trung ương nói riêng. Thông qua phong trào này, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được nhân rộng, nhiều tấm gương điển hình được khen thưởng.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ về những thành công của phong trào trong 5 năm vừa qua (2010 - 2014).
Ông Nguyễn Chí Thành
PV: Phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” đã được Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương triển khai như thế nào, thưa Chủ tịch?
Ông Nguyễn Chí Thành: Căn cứ nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng, của tổ chức công đoàn, Ban Thường vụ Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương đã chỉ đạo Ban Nữ công các cấp cụ thể hóa phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” thành các chương trình, hành động phù hợp với từng cấp và từng đơn vị theo từng giai đoạn cụ thể.
Hàng năm, đều có kế hoạch triển khai công tác nữ công, chú trọng đánh giá chất lượng và hiệu quả của phong trào, rút ra bài học kinh nghiệm, tìm ra giải pháp triển khai nhiệm vụ trọng tâm của phong trào cho thời gian tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. Công đoàn các cấp cũng đã chỉ đạo công tác nữ công cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của phong trào bám sát với nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bên cạnh đó, nội dung và hình thức triển khai thực hiện phong trào luôn được các đơn vị đổi mới, sáng tạo, góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần động viên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) NHNN Trung ương tăng thêm lòng yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp của Ngành, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Ngoài ra, Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương cũng chủ động triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” với mục tiêu phấn đấu “Cán bộ ngân hàng đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi, vững tin bước vào hội nhập với ngân hàng khu vực và quốc tế”.
Lồng ghép Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… các hoạt động này đã góp phần tạo sự bình đẳng, tiến bộ và phát triển ngày càng cao cho phụ nữ NHNN Trung ương.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú tặng quà cho các chiến sỹ biên phòng Y Tý, Lào Cai
PV: Phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và là đích phấn đấu cho nhiều chị em, Chủ tịch có thể chia sẻ một vài thành công?
Ông Nguyễn Chí Thành: Có thể nói, phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” thời gian qua đã có tác động quan trọng trong việc động viên nữ CBCCVCNLĐ nỗ lực thi đua vừa phấn đấu toàn diện trên các mặt công tác, vừa quan tâm thu xếp tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Thông qua phong trào chất lượng đội ngũ nữ CBCCVCNLĐ được nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt, phát huy tiềm năng, trí tuệ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập của Ngành và của đất nước.
Các chị là lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tham mưu và điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả, linh hoạt. Các chị cũng tham gia xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật về Ngành, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách quản lý hoạt động ngân hàng trong cơ chế thị trường; tham gia hoàn thiện quy định về quản lý rủi ro tín dụng và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam…
Trong các lĩnh vực nghiệp vụ cụ thể, chị em cũng đã nâng cao ý thức, trách nhiệm và tinh thần làm việc, chú ý sửa đổi và cải tiến lề lối làm việc, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn trong các lĩnh vực như tín dụng; thanh tra, kiểm soát; kế toán, thanh toán và đổi mới công nghệ ngân hàng; quan hệ quốc tế và mở rộng đối ngoại; kho quỹ; đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, phong trào cũng đã có tác động sâu sắc từ nhận thức đến hành động của các cấp lãnh đạo đối với công tác phụ nữ, từ đó có sự quan tâm tạo điều kiện cho nữ CBCCVCNLĐ tham gia vào các hoạt động xã hội, cũng như tạo cơ hội cống hiến và hưởng thụ các lợi ích trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, hướng tới sự phát triển và bình đẳng giới cho phụ nữ.
Một thành công nữa của phong trào là tập hợp được đông đảo CBCCVCNLĐ tham gia hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua, các cuộc vận động mang tính xã hội lớn.
Công đoàn NHNN Trung ương trao tặng Mái ấm tình thương tại Thái Bình, năm 2014
Phong trào cũng đã động viên khích lệ nữ CBCCVCNLĐ xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Bên cạnh áp lực công việc chuyên môn rất lớn, nữ CBCCVCNLĐ NHNN Trung ương vẫn đảm đương thực hiện tốt thiên chức của người phụ nữ, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, phấn đấu vì mục tiêu mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Nhiều gia đình cán bộ ngân hàng giữ được nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam, nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc dưới một mái nhà, cùng thành đạt, luôn yêu thương tôn trọng nhau. Các chị đã xây dựng tiêu chí gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bằng chính những việc làm hàng ngày của mình, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình, hiếu nghĩa với cha mẹ, dạy dỗ các con ngoan, học giỏi.
PV: Còn điểm gì cần khắc phục để phong trào ngày càng phát triển hơn nữa, theo Chủ tịch?
Ông Nguyễn Chí Thành: Phong trào tuy đã có tác động chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của các cấp lãnh đạo, song qua kiểm tra công tác nữ công ở một số đơn vị cơ sở cho thấy vẫn còn có đơn vị chưa được Ban Lãnh đạo quan tâm thực sự, chưa phối hợp thường xuyên trong chỉ đạo phong trào.
Ở một số đơn vị, cán bộ thường xuyên đi công tác, kinh phí hoạt động khó khăn, cán bộ làm công tác nữ công chủ yếu là kiêm nhiệm, không được tập huấn… là những khó khăn ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai phong trào. Việc chỉ đạo và nắm bắt tình hình nữ CBCCVCNLĐ ở một số đơn vị còn chưa sâu sát, chủ yếu thông qua văn bản triển khai và qua báo cáo của các đơn vị.
Từ đó việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thiếu tính thực tế, hình thức hoạt động chưa đi vào chiều sâu, chưa có sức hút, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch cán bộ nữ, bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo chủ chốt cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo tương xứng với trình độ, năng lực chị em đã được học tập, đào tạo, bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, một bộ phận các chị luôn có tư tưởng an phận, tự ti, chưa thực sự cố gắng vươn lên, chưa yên tâm công tác.
PV: Để phong trào ngày càng lan tỏa và phát huy được sức mạnh của đội ngũ nữ CBCCVCNLĐ, Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương sẽ tiếp tục triển khai phong trào như thế nào trong giai đoạn tiếp theo?
Ông Nguyễn Chí Thành: Trước hết là cần cụ thể hóa nội dung phong trào sát với thực tiễn, xác định rõ mục tiêu phấn đấu; việc triển khai thực hiện phải mang tính hệ thống; cần giải pháp có tính lâu dài để nuôi dưỡng phong trào phát triển sâu rộng; việc chỉ đạo phong trào phải có trọng tâm, trọng điểm, có kiểm tra, đôn đốc để kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong thực tế.
Bên cạnh đó, tìm giải pháp để các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về phong trào, từ đó có sự quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt để phong trào duy trì và phát triển.
Ngoài ra cũng cần phát huy các hình thức vận động có hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức trong vận động; có sự phối hợp đồng bộ giữa tổ chức công đoàn với các cấp lãnh đạo chính quyền để triển khai thực hiện nội dung phong trào gắn với nhiệm vụ của đơn vị, của NHNN Trung ương và của Ngành.
Song song với đó cần củng cố kiện toàn Ban Nữ công, có kế hoạch quy hoạch cán bộ làm công tác nữ công kế cận đủ tầm, đủ năng lực và có tâm để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình. Ban Nữ công các cấp cũng cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm chỉ đạo, tổ chức triển khai phong trào có hiệu quả; tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo chuyên môn và cấp ủy Đảng.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
***
Trong 5 năm qua 100% nữ CBCCVCNLĐ tham gia ủng hộ các quỹ và các cuộc vận động bình quân 4 ngày lương/người/năm. Ban Nữ công còn trực tiếp chỉ đạo và tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Xây tặng nhà “Mái ấm tình thương” tặng phụ nữ nghèo, gia đình chính sách; Trao tặng cặp phao cứu sinh cho trẻ em tại các vùng khó khăn; thăm và tặng quà thương binh nặng; tặng thiết bị sân chơi ngoài trời và một số thiết bị phòng học cho trẻ em tại một số trường mầm non, trường tiểu học, trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, tham gia chương trình “Trái tim trẻ thơ” giúp các cháu bị bệnh tim gia đình có hoàn cảnh khó khăn được mổ tim, đóng góp thăm nuôi Mẹ Việt Nam anh hùng… và nhiều chương trình an sinh xã hội khác cùng cộng đồng.
Những danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của nữ CBCCVCNLĐ giai đoạn 2010 -2014 trong phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” Tập thể:
- Cờ thi đua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: 1
- Bằng khen Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: 2
- Bằng khen Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: 13
- Giấy khen Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương: 68 Cá nhân:
- Bằng khen Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: 2
- Bằng khen Công đoàn Ngân hàng Việt Nam: 50
- Giấy khen Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương: 385
Các hình thức khen thưởng Ban Nữ công Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương được trao tặng:
- Năm 2011: Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tặng Bằng khen.
- Năm 2012: Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tặng Cờ thi đua.
- Năm 2013: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua.
- Năm 2014: Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tặng Bằng khen.
Tổng kết 5 năm giai đoạn 2010 - 2014: Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thống đốc NHNN, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tặng Bằng khen 10 tập thể, 27 cá nhân; Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương tặng Giấy khen 13 tập thể và 91 cá nhân
Thanh Thủy thực hiện