NHNN đứng đầu ở chỉ số Hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật
Không đứng vị trí đầu trong Chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành (MEI) năm 2014, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, song NHNN lại có chỉ số thành phần cao nhất trong Hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Điều này cho thấy sự nỗ lực của NHNN trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi pháp luật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Nỗ lực đưa pháp luật vào đời sống kinh doanh đã được ghi nhận
Doanh nghiệp hài lòng
Theo đó, trong số 5 chỉ số của MEI, NHNN đã đứng đầu ở chỉ số Hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xếp vị trí thứ 2 ở chỉ số Hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật. Với chỉ số Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); và Hiệu quả công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, NHNN nằm trong nhóm nửa đầu bảng xếp hạng.
“Nơi nào có quyết tâm cao và hành động quyết liệt, nơi đó chuyển biến rõ rệt. Nơi nào lơ là, nơi đó hiệu quả xói mòn”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận xét về kết quả thực hiện công tác xây dựng và thực thi pháp luật của các bộ, ngành. Điều này cho thấy nỗ lực thực tế để đưa pháp luật vào đời sống kinh doanh chính là thước đo rõ rệt nhất để cộng đồng DN đánh giá nỗ lực của các bộ, ngành. Ở chỉ số thành phần này, NHNN đã có sự bứt phá rõ rệt.
Theo đó, để vươn lên vị trí dẫn đầu về Hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, NHNN đã tăng tới 7 bậc so với năm 2012. Đây là khía cạnh tác động trực tiếp nhất tới DN. Do đó, “Vị trí này của NHNN phản ánh sự hài lòng của các hiệp hội DN về những chuyển biến trong hoạt động quản lý tiền tệ trong năm 2014 của ngành này”, báo cáo MEI 2014 nêu rõ.
Bên cạnh đó, việc xếp thứ 2 ở chỉ số Hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật cũng mang ý nghĩa quan trọng. Bởi với vị trí khá đặc biệt trong “vòng đời” của VBQPPL, hoạt động rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp tới ý nghĩa thực tiễn thực sự của các VBQPPL. Đây cũng là nhân tố cốt lõi cho việc bắt đầu “vòng đời” khác của văn bản, nhằm đảm bảo luôn đi cùng thực tiễn, phản ánh và giải quyết được các nhu cầu thực tiễn vốn thay đổi rất nhanh chóng.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra sự trùng hợp thú vị, đó là NHNN đã có sự cải thiện hiệu quả tốt nhất ở hoạt động rà soát, tổng kết pháp luật, cũng đồng thời là bộ có chất lượng VBQPPL được cải thiện nhất trong năm 2014. Đây là gợi ý cụ thể và thiết thực nhất cho các bộ, ngành khác. Và “địa chỉ” cần nhắm vào trong thời gian tới chính là hoạt động rà soát pháp luật, kiểm tra việc thực thi pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện bất cập để điều chỉnh VBQPPL tương ứng.
Từng bước hoàn thiện thể chế
Kết quả của MEI 2014 ghi nhận phản hồi của 228 hiệp hội DN cấp tỉnh, khu vực và trung ương trên toàn quốc, đại diện cho 409.000 DN. Quy mô của cuộc khảo sát cho thấy đây là đánh giá trực tiếp và khách quan nhất của cộng đồng DN về nỗ lực cải cách của các bộ, ngành.
Chia sẻ về những kết quả khả quan đạt được trong năm 2014 về xây dựng và thực thi pháp luật, đại diện Vụ Pháp chế (NHNN) cho biết, cải cách thể chế là một nhiệm vụ trọng tâm của NHNN nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch cải cách hành chính của NHNN giai đoạn 2011-2015. Từ năm 2011 đến nay, công tác xây dựng và ban hành VBQPPL của NHNN cũng từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Cũng trong thời gian này, NHNN đã ban hành hơn 200 Thông tư và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 40 văn bản. Trong đó có nhiều văn bản hướng dẫn Luật và sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách quan trọng trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối, thanh toán…
Trong công tác xây dựng VBQPPL, NHNN là một trong số ít những bộ, ngành đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành tất cả các văn bản được giao để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Với số lượng VBQPPL được ban hành từ năm 2011-2015, thể chế cho hoạt động NH đã được hoàn thiện thêm một bước, góp phần tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh của TCTD. Điều này cũng tạo thuận lợi cho hoạt động cơ cấu lại các TCTD, chấn chỉnh; củng cố, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Đồng thời, cũng cải thiện hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quản trị rủi ro; kiểm soát, xử lý nợ xấu của các TCTD phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; tạo môi trường cho hoạt động NH minh bạch, an toàn, lành mạnh và hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, NH, giảm bớt rủi ro trong hoạt động NH, DN và người dân.
Trong thời gian qua các VBQPPL do NHNN ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đã đi vào cuộc sống và có những tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống, xã hội. Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối… đã phát huy tác dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hộ gia đình trong việc tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Theo thoibaonganhang.vn