Kể từ khi mới thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam (ngày 06/5/1951), công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Ngân hàng luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo.
Nhiều phong trào thi đua có quy mô lớn, phạm vi toàn Ngành đã được tổ chức triển khai như phong trào “Thi đua nghiên cứu, xây dựng cơ chế điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”; phong trào “Quản lý nhà nước tốt, kỷ luật điều hành nghiêm”; phong trào phụ nữ 2 giỏi “Giỏi việc nước đảm việc nhà”; phong trào “Thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm”.
Ngoài ra, các đơn vị trong toàn Ngành đã phát động nhiều phong trào thi đua ngắn ngày và tổ chức các hội thi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ như “Hội thi cán bộ kiểm ngân giỏi”; “Hội thi cán bộ tín dụng giỏi”; “Hội thi tìm hiểu luật NHNN và luật các tổ chức tín dụng.”
Đáng chú ý, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35/CT/TW ngày 3/6/1998 và Chỉ thị số 39/CT/TW ngày 21/5/2004 về công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT); Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo về công tác TĐKT; Thống đốc NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo và quy định về công tác TĐKT áp dụng trong toàn ngành Ngân hàng.
Sau khi Luật TĐKT được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 4 thông qua vào ngày 04/10/2005 (được sửa đổi bổ sung năm 2013), Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 122/2005/NĐ-CP quy định tổ chức làm công tác TĐKT và các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TĐKT và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TĐKT. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự đổi mới cơ bản toàn diện về công tác TĐKT của đất nước nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác TĐKT đối với hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác TĐKT áp dụng trong ngành Ngân hàng như Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc tiếp tục đổi mới công tác TĐKT, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành Ngân hàng giai đoạn 2006-2010; ban hành quyết định thành lập Hội đồng TĐKT ngành Ngân hàng.
Ngay sau khi Thống đốc ký ban hành những văn bản trên, NHNN đã tổ chức tập huấn chuyên đề về công tác TĐKT trong toàn Ngành, bộ máy tổ chức thực hiện công tác TĐKT được nâng cấp, củng cố, kiện toàn từ Trung ương đến các đơn vị cơ sở. Tại NHNN, thành lập Vụ TĐKT để tham mưu cho Ban cán sự đảng, Ban lãnh đạo NHNN và Hội đồng TĐKT Ngành chỉ đạo toàn bộ công tác TĐKT trong ngành Ngân hàng. Tại các ngân hàng thương mại, bố trí bộ máy làm công tác TĐKT; các đơn vị khác đều bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác TĐKT.
Nhìn lại chặng đường gần 65 năm xây dựng và phát triển của ngành Ngân hàng, các phong trào thi đua luôn luôn là động lực quan trọng để huy động và tập trung sức mạnh, trí tuệ của từng tập thể, cá nhân vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn Ngành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những cá nhân, tập thể đã được các cấp khen thưởng trong gần 65 năm qua là nhân tố mới đi tiên phong trên con đường xây dựng, đổi mới và phát triển hôm nay. Mỗi phong trào thi đua đều bám sát vào mục tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ của Ngành trong từng giai đoạn, gắn với nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày của người lao động trên mỗi vị trí công tác. Đó thực sự là phong trào của quần chúng, được tổ chức và vận động trên cơ sở tự giác, nhiệt tình của mỗi cá nhân và tập thể. Các hình thức khen thưởng đã tạo ra nhiều giá trị tinh thần vô cùng to lớn đối với mỗi cá nhân, tập thể trong toàn Ngành. Vì vậy, việc đổi mới các hình thức tổ chức vận động phong trào thi đua, đổi mới và làm tốt công tác khen thưởng sẽ là động lực quan trọng góp phần to lớn vào kết quả hoạt động từng đơn vị, mỗi cá nhân và trong toàn ngành.
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, công tác TĐKT phải có những hình thức mới, biện pháp mới gắn chặt với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và đời sống chính trị của mỗi cá nhân, mỗi tập thể. Kết quả của các phong trào thi đua chính là chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà khen thưởng là kết quả của thi đua và là đòn bẩy không thể thiếu được trong hoạt động ngân hàng.
Năm 2015, triển khai thực hiện Kế hoạch số 13/KH-HĐTĐKT ngày 3/6/2014 của Hội đồng TĐKT trung ương “Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thư IX”, ngày 20/8/2014, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành ngân hàng lần thứ VII (kế hoạch số 20/KH-NHNN) và Quyết định số 1979/QĐ-NHNN ngày 29/9/2014 về việc thành lập Ban Chỉ đạo đại hội thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VII và Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng và phong trào thi đua “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”. Trưởng Ban chỉ đạo đã có văn bản phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo (văn bản số 8175/NHNN-TĐKT). Vụ TĐKT với tư cách là Thường trực Ban chỉ đạo, đã tích cực phối hợp với các đơn vị để triển khai nội dung Kế hoạch của Thống đốc NHNN. Ngày 24/9/2014, Vụ TĐKT tham mưu và Thống đốc đã ký văn bản số 7002/NHNN-TĐKT về việc “Phát động thi đua chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VII”. Hiện nay, các đơn vị trong toàn Ngành đang gấp rút chuẩn bị tổ chức “Hội nghị điển hình tiên tiến” theo Kế hoạch của Thống đốc NHNN.
Hy vọng rằng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán đảng, Ban lãnh đạo NHNN, các phong trào thi đua sẽ có bước phát triển mới, góp phần đưa hoạt động ngân hàng ngày càng phát triển, an toàn và hiệu quả.
Khuất Duy Tuấn, Vụ TĐKT NHNN